Các nhà khoa học Trung Quốc chế tạo tia laser đuổi chim để bảo vệ sân bay

Các nhà khoa học Trung Quốc tuyên bố đã chế tạo một hệ thống robot tích hợp tia laser để xua đuổi chim, giúp ngăn chặn các vụ va chạm giữa máy bay và chim trời.

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin hệ thống do trí tuệ nhân tạo điều khiển này sẽ tự động tìm kiếm những con chim đang bay rồi bắn chùm tia laser gây đau đớn vào chúng cho đến khi chúng rời khỏi vùng trời bị giới hạn.


Các vụ chim đâm vào máy bay là rủi ro lớn đối với ngành hàng không. (Ảnh: Reuters)

Với người đứng đầu là Giáo sư Zhao Fan tại Đại học Công nghệ Tây An, nhóm nghiên cứu đã công bố phát hiện trên tạp chí Laser & Optoelectronics Progress. Theo các chuyên gia, chùm tia laser năng lượng cao được dẫn đường bởi camera thông minh tích hợp sẵn các thuật toán nhận dạng và theo dõi hình ảnh. Họ cho biết thuật toán theo dõi chim trời của họ đã đạt được hiệu suất cải thiện 50% so với các thuật toán theo dõi mục tiêu hiện có.

Va chạm với chim trời là một nguy cơ lớn đối với các máy bay, với khoảng 20.000 sự cố xảy ra trên toàn cầu mỗi năm. Hầu hết các vụ va chạm giữa chim và máy bay xảy ra trong quá trình cất cánh và hạ cánh, với 90% xảy ra ở khoảng không phía trên sân bay và 50% xảy ra ở độ cao 30 mét so với mặt đất.

Hệ thống do Giáo sư Zhao và các đồng nghiệp của bà phát triển gồm 4 phần: một camera để phát hiện chim, một mô-đun xử lý video để theo dõi mục tiêu, một bộ phát tia laser và một gương chuyển động để phản xạ và hướng chùm tia.


Hình ảnh một con chim bị theo dõi qua camera bình thường và camera nhiệt. (Ảnh: Zhao Fan)

AI đưa ra quyết định về phát hiện, theo dõi, nhắm và bắn mục tiêu, trong khi máy quay video ghi lại hình ảnh thời gian thực của vùng trời được chỉ định. Khi AI phát hiện ra một con chim, nó sẽ dẫn đường cho chùm tia laser để xua đuổi con vật.

Theo nữ tác giả nghiên cứu, các thí nghiệm trên thực địa cho thấy hệ thống đuổi chim bằng tia laser có thể phát huy hiệu quả chính xác đối với những sinh vật đang bay trong phạm vi 1.000 mét. Thuật toán AI cũng được đánh giá cùng lúc qua camera thường và camera nhiệt nên có hiệu suất cao hơn những thuật toán cùng loại.

Bà Zhao Fan cho hay tỷ lệ thành công trung bình và mức độ theo dõi chính xác mục tiêu qua hình ảnh của hệ thống laser trên lần lượt là 47,5% và 51,2%.

Tuy nhiên, một chuyên gia hàng không dân dụng đã bày tỏ lo ngại về công nghệ này. “Chúng ta phải tính đến rủi ro tiềm ẩn của nó đối với các phi công. Chúng ta không thể đưa nó vào sử dụng trừ khi hệ thống đạt độ chính xác 100%”, vị chuyên gia yêu cầu giấu tên nói.

Zhou Haixiang, nhà bảo tồn chim hoang dã ở tỉnh Liêu Ninh, nói rằng loại tia laser và cường độ chùm tia sẽ là những yếu tố chính ảnh hưởng đến tính hiệu quả của hệ thống.

“Nhiều sân bay được xây dựng cạnh môi trường sống của các loài chim hoang dã quý. Ví dụ, sân bay Jinzhouwan ở Liêu Ninh, nằm cạnh nơi sinh sống của loài sếu và chim bìm bịp. Sân bay Xuanzhou ở An Huy gần nơi sinh sống của sếu trắng. Nếu tia laser đủ mạnh để gây tổn thương cho những loài được bảo tồn, đó là điều vi phạm pháp luật”, ông nói.

Ông Zhou Haixiang cho biết hầu hết sân bay ở Trung Quốc sử dụng lưới hoặc hệ thống âm thanh, ánh sáng để xua đuổi chim chóc, nhưng nhiều loài chim hoang dã đã học cách thích nghi sau khi nhận thấy chúng vô hại. Do đó, những con chim cũng có thể thích ứng với tia laser.

Cập nhật: 02/08/2022 Báo Tin Tức
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video