Bạn đã từng nghe đến máy bay tàng hình, tàu ngầm tàng hình nhưng bạn có biết nghĩa của tàng hình ở đây thực sự là gì?
>>> Công nghệ tàng hình qua lớp thấu kính
Công nghệ tàng hình có rất nhiều loại. Từ "tàng hình" có thể ám chỉ đến mọi thứ, từ lớp sơn phủ trên máy bay ném bom đến lớp ngụy trang của các loại thiết bị khoa học viễn tưởng. Thực tế, công nghệ tàng hình tác động mạnh mẽ đến thế giới hàng trăm năm qua. Nó là công nghệ "át chủ bài" trong một số cuộc chạy đua vũ trang.
Tàng hình về cơ bản là khả năng ẩn giấu, như là việc bạn có thể lẩn khuất vào đâu đó để không ai nhìn thấy bạn đi vào một tòa nhà, hay ngụy trang bằng một bộ quần áo đặc biệt để có thể lẫn vào đám cỏ. Nghe có vẻ ngớ ngẩn, nhưng trong cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất, khả năng tàng hình của tàu ngầm Đức U-Boat hoàn toàn xuất phát từ việc nó không thể bị phát hiện. Khi chưa có các biện pháp và thiết bị phát hiện tàu ngầm tiên tiến, tàu ngầm U-Boat thực sự "tàng hình". Tương tự như vậy, độ cao của các máy bay do thám cũng là một dạng tàng hình, đặc biệt với những chiếc máy bay được trang bị thiết bị hiện đại, camera phi chuẩn để do thám mặt đất thông qua lớp mây che phủ.
Khi công nghệ tàng hình phát triển ở những dạng sơ khai nhất, thì những công nghệ dò tìm đầu tiên cũng bắt đầu phát triển theo. Hệ thống radar và sonar (thiết bị phát hiện tàu ngầm) ngay lập tức được con người nghĩ tới. Đối với máy bay, do cấu tạo của máy bay bằng kim loại nên rất dễ bị dò tìm và theo dõi bằng thiết bị radar.
Mục đích của máy bay tàng hình là để chiếc máy bay đó không bị radar dò ra. Có 2 cách để tạo ra sự tàng hình này. Một là máy bay có thể có hình dạng mà mọi loại tín hiệu radar đều "bó tay", hai là máy bay có thể được bao phủ bằng những vật liệu "nuốt" tín hiệu radar.
Hầu hết máy bay đều có hình dạng bo tròn. Hình dạng này giúp máy bay khí động lực hơn, nhưng cũng tạo ra phản xạ radar rất hiệu quả. Hình dạng tròn của máy bay nghĩa là dù tín hiệu radar chiếu vào chỗ nào của máy bay thì một số tín hiệu vẫn phản xạ trở lại. Chính vì thế, một chiếc máy bay tàng hình sẽ có hình dạng bề mặt hoàn toàn phẳng và các cạnh rất sắc. Khi tín hiệu radar chiếu vào máy bay tàng hình, tín hiệu sẽ phản xạ thành góc như hình này.
Ngoài ra, bề mặt trên máy bay tàng hình có thể được thiết kế theo kiểu chúng sẽ "nuốt" luôn năng lượng radar. Vì thế, một chiếc máy bay tàng hình như chiếc F-117A có thể khiến tín hiệu radar như thể chiếu vào một con chim nhỏ chứ không phải là một chiếc máy bay. Ngoại lệ duy nhất là khi máy bay nghiêng – đó là khoảnh khắc một trong các panel của máy bay phản chiếu cả khối tín hiệu radar – lúc này, máy bay không còn "tàng hình" được nữa.
Video vui về công nghệ tàng hình:
Tham khảo: Geek, How Stuff Works