Ngay sau khi Nhật Bản hứng chịu trận động đất mạnh 7,6 độ, nhiều cơ quan và tổ chức hạt nhân quốc tế tỏ ra lo lắng về nguy cơ rò rỉ chất phóng xạ từ các lò phản ứng.
Chiều 1/1, một trận động đất mạnh 7,6 độ đã xảy ra ở tỉnh Ishikawa và ảnh hưởng đến một loạt tỉnh miền trung Nhật Bản. Tâm chấn trận động đất ở độ sâu 10km.
Nhà cửa bị sập, đường sá bị hư hại tại Kanazawa, tỉnh Ishikawa sau động đất. (Ảnh: Reuters).
Nhiều nhà cửa bị sập hoặc hỏa hoạn, đường sá bị hư hại và hơn 100.000 người được lệnh sơ tán khỏi các khu vực bị ảnh hưởng.
Sau khi trận động đất xảy ra, nhiều cơ quan hay tổ chức quốc tế và người dân Nhật Bản lo lắng về nguy cơ rò rỉ chất phóng xạ, như đã từng xảy ra tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima vào năm 2011.
Cơ quan Quản lý Hạt nhân Nhật Bản (NRA) cho biết, hiện tại không có bất thường nào được ghi nhận tại các nhà máy điện hạt nhân sau một loạt trận động đất mạnh ở Nhật Bản và cảnh báo về sóng thần có thể xảy ra.
NRA thông tin, các lò phản ứng tại các nhà máy hạt nhân Ohi và Takahama thuộc Công ty Điện lực Kansai ở tỉnh Fukui (phía bắc địa điểm xảy ra động đất chính ở tỉnh Ishikawa), dường như không bị ảnh hưởng bởi trận động đất.
Nhà máy điện hạt nhân Ohi có hai tổ máy đang hoạt động và Takahama có 4 tổ máy. Chúng đều nằm trong khu vực bị ảnh hưởng bởi trận động đất vừa qua, dọc bờ biển phía tây Nhật Bản.
Trong khi đó, nhà máy hạt nhân Shika gồm hai tổ máy của Công ty Điện lực Hokuriku, cách Ohi khoảng 250km về phía bắc, gần tâm chấn trận động đất mạnh 7,6 độ, nó đã ngừng hoạt động kể từ thảm họa Fukushima vào năm 2011. Cơ quan này cũng không ghi nhận bất thường gì sau trận động đất.
Hiện tại, các nhà máy điện hạt nhân ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất và sóng thần mới xảy ra tại Nhật Bản đều không có nguy cơ rò rỉ phóng xạ.
Nhà máy hạt nhân Takahama là một trong ba nhà máy ở khu vực bị ảnh hưởng bởi trận động đất, nhưng chưa có báo cáo về thiệt hại hoặc sự cố. (Ảnh: Asahi).
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết họ đã liên lạc với Nhật Bản và NRA xác nhận, không có bất thường nào ở các nhà máy điện hạt nhân trong khu vực bị ảnh hưởng.
"IAEA sẽ tiếp tục theo dõi tình hình", một tuyên bố từ cơ quan này cho biết.
Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, ngày 1/1 quốc gia này liên tiếp hứng chịu 21 trận động đất có cường độ từ 4,0 độ trở lên ở miền trung Nhật Bản chỉ trong vòng 90 phút.
Trận động đất mạnh nhất xảy ra ở tỉnh Ishikawa lúc 16h10 (giờ địa phương) có cường độ 7,6 độ.
Người dân dọc theo bờ biển phía tây đã được yêu cầu sơ tán lên vùng đất cao do nguy cơ sóng thần.
Sau trận động đất lớn ở phía đông bắc Nhật Bản vào tháng 3/2011, một cơn sóng thần cao 15 mét đã làm mất điện và khiến ba lò phản ứng của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima-Daiichi bị rò rỉ chất phóng xạ, gây ra một trong những thảm họa hạt nhân lớn nhất lịch sử.
Tất cả các lò phản ứng hạt nhân từ các nhà máy điện của đất nước đã ngừng hoạt động sau vụ tai nạn Fukushima-Daiichi và không được phép khởi động lại cho đến khi chúng vượt qua các cuộc kiểm tra an toàn mới nghiêm ngặt.
Nhật Bản có 54 nhà máy điện hạt nhân, sản xuất 30% lượng điện tiêu thụ của đất nước.
Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, con số trên là 7,2% vào năm 2021 (do nhiều nhà máy buộc phải ngừng hoạt động sau thảm họa hạt nhân Fukushima).
Trong số 33 lò phản ứng hạt nhân trong các nhà máy điện ở đất nước xứ sở hoa anh đào, 12 lò hiện đã hoạt động trở lại sau khi đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn hậu thảm họa Fukushima.
Chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản, Fumio Kishida muốn việc sản xuất điện hạt nhân đóng vai trò lớn hơn trong nỗ lực cắt giảm lượng khí thải carbon và đảm bảo nguồn năng lượng ổn định cho đất nước.