Những chuyến bay đêm sẽ giúp đài quan sát trên không lùng sục khắp bầu trời để tìm kiếm những ngôi sao mới sinh, trong nỗ lực phát hiện được sự sống ngoài Trái đất.
Một nhóm các chuyên gia Mỹ, trong đó có hai người từ Viện Bách khoa Rensselaer ở New York, sẽ sử dụng đài quan sát trên không với mục tiêu truy tìm tập hợp các phân tử trong những đám mây bụi xung quanh 5 ngôi sao trẻ.
SOFIA được đặt hy vọng sẽ giải mã được bí ẩn
của sự sống khơi nguồn trong vũ trụ - (Ảnh: NASA)
Sứ mệnh đó sẽ được triển khai trên một chiếc Boeing 747, được trang bị Đài quan sát Thiên văn Hồng ngoại ở tầng bình lưu (SOFIA), với sự hợp tác giữa NASA và Trung tâm Không gian Đức.
Di chuyển trên độ cao hơn 12.000m, đây là đài quan sát trên không lớn nhất thế giới, theo Space.com.
Các kết quả quan sát hồng ngoại của những đài quan sát trên mặt đất về những sao sơ sinh đã cho thấy sự hiện diện của các phân tử hữu cơ và nước trong đám bụi tàn dư thuộc đám mây khí xung quanh sao.
Do khả năng quan sát của đài thiên văn mặt đất bị ảnh hưởng vì độ ẩm không khí hấp thu hầu hết các bức xạ hồng ngoại, giới chuyên gia nghĩ đến việc lắp đặt đài thiên văn trên không để tránh được tình trạng bất lợi này.