Trong vài thập niên nữa, việc xử lí các tấm năng lượng mặt trời đã hết hạn sử dụng là một vấn đề lớn đối với Trung Quốc.
Theo ước tính của các chuyên gia trong ngành công nghiệp năng lượng, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với các vấn đề hết sức tồi tệ liên quan đến các tấm năng lượng mặt trời trong vòng 2 thập kỷ tới.
Đến năm 2034 các tấm năng lượng lão hóa của nước này sẽ lên đến con số 70 gigawatts.
Lu Fang, Tổng thư ký Hiệp hội Năng lượng tái tạo Trung Quốc cho biết đến năm 2034 các tấm năng lượng lão hóa của nước này sẽ lên đến con số 70 gigawatts. Con số này gấp 3 lần so với quy mô của đập Tam Hiệp – dự án thủy điện lớn nhất thế giới.
Đến năm 2050, các tấm phế thải này sẽ tăng thêm 20 triệu tấn, gấp 2.000 lần trọng lượng của Tháp Eiffel.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, hiện nay Trung Quốc đang sở hữu số nhà máy năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới với tổng công suất gần 80GW (theo số liệu hồi năm ngoái). Việc lắp đặt các tấm năng lượng mặt trời ở Trung Quốc gần gấp đôi so với ở Mỹ.
Gần một nửa tấm năng lượng điện mặt trời tại nước này được lắp đặt hồi năm ngoái. Theo Bloomberg, các chuyên gia công nghiệp cũng dự đoán rằng các trang trại năng lượng mặt trời mới hoàn thành trong năm nay sẽ vượt quá kỷ lục của năm 2016.
Nhiệt độ cao có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa cho pin mặt trời.
Tốc độ xây dựng các trang trại năng lượng mặt trời được thúc đẩy bởi chính sách đa dạng hóa cơ cấu cung cấp năng lượng của nước này (hiện nay phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch như than đá và dầu nhập khẩu).
Tuy nhiên, tuổi thọ của các nhà máy năng lượng mặt trời tương đối ngắn và hiện tại các nhà quản lý chưa đưa ra kế hoạch cụ thể để xử lí các tấm năng lượng mặt trời hết hạn sử dụng. Theo ước tính của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, tuổi thọ của bảng điều khiển là từ 20 đến 30 năm, phụ thuộc vào môi trường mà chúng được sử dụng. Nhiệt độ cao có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa cho pin mặt trời, trong khi các yếu tố tiêu cực khác, như trọng lượng của bão tuyết hoặc bụi cũng làm giảm dần năng suất cung cấp điện của các tấm năng lượng.
Ông Tian Min, Tổng giám đốc của Nanjing Fangrun Materials, một công ty tái chế ở tỉnh Giang Tô chuyên thu thập các tấm pin mặt trời đã hết hạn sử dụng cho biết ngành công nghiệp năng lượng mặt trời là một quả bom nổ chậm. Ông nói: “Nó sẽ bùng nổ trong 2 hoặc 3 thập kỷ tới và phá hủy môi trường, nếu các tính toán khoa học là chính xác. Đây là một lượng lớn chất thải và chúng không dễ tái chế”.
Ngành công nghiệp năng lượng mặt trời là một quả bom nổ chậm.
Một bảng năng lượng mặt trời chứa các kim loại như chì, đồng và cũng có một khung nhôm. Các tế bào năng lượng mặt trời được tạo thành từ silic tinh thể tinh khiết kết tinh dưới một lớp màng nhựa dày để bảo vệ.
Ở châu Âu, một số công ty được báo cáo là đã phát triển công nghệ tinh vi để thu hồi hơn 90 phần trăm nguyên vật liệu.
Các nhà máy điện năng lượng mặt trời của Trung Quốc chủ yếu nằm ở các vùng vùng sâu, vùng xa như Gobi ở Nội Mông. Trong khi đó, phần lớn các nhà máy tái chế nằm ở các khu vực phát triển dọc theo bờ biển Thái Bình Dương.
Việc vận chuyển các tấm cồng kềnh này với khoảng cách dài rất tốn kém.
Việc vận chuyển các tấm cồng kềnh này với khoảng cách dài rất tốn kém. Một chi phí khác là tách và tẩy uế các chất thải. Đây một quá trình công nghiệp không chỉ đòi hỏi nhiều lao động và điện năng đầu vào, mà còn thải ra các hóa chất như axit có thể gây hại cho môi trường.
Tian nói: “Nếu một nhà máy tái chế tiến hành từng bước theo lý thuyết để đạt được mức thải ô nhiễm thấp, các sản phẩm của họ có thể đắt hơn nguyên liệu thô”.
Giá một kg silicon tinh khiết đứng ở mức khoảng 13 USD trong năm nay. Ước tính trong thập kỷ tới, mức giá này sẽ giảm 30%. Theo Tian, việc này làm cho silic tái chế khó bán hơn. Một ý kiến khác cho rằng Trung Quốc có thể bán những tấm năng lượng đã qua sử dụng này cho Trung Đông – nơi người ta cần lắp đặt số lượng lớn các tấm năng lượng tại các sa mạc để bù đắp cho năng suất thấp (do sử dụng các tấm năng lượng cũ).