Cách mạng truyền thông đi theo hướng 'web hóa'

Không gây chấn động như một mảnh thiên thạch lao vào trái đất, nhưng sự "va chạm" của công nghệ nghe nhìn thế hệ mới cũng đã tạo nên những tác động sâu sắc đến thế giới truyền thông hiện đại.

Truyền thông đang ngày càng được "cá nhân hóa" nhờ những công cụ tạo nội dung kỹ thuật số như blog, podcast, wiki, game nhiều người chơi, mashup... dễ sử dụng và chi phí thấp.

Quá trình phân phối nội dung cũng trở nên rẻ và dễ dàng hơn thông qua điện thoại di động và Internet, nền tảng có quy mô toàn cầu và là một trong những phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của tương lai. Tính "cá nhân" trong truyền thông còn thể hiện ở chỗ người xem không còn ở thế bị động nữa mà chuyển sang "tương tác" hơn, tức họ có thể viết, chỉnh sửa, đưa ra ý kiến... ngay trên trang mà họ vừa đọc.

Blog

Blog (viết tắt của weblog) - trang web cá nhân - đang thu hút sự chú ý lớn do nó cho phép người ta "đọc và viết", đối lập với những website "chỉ được đọc" của những năm 90. Blog thực chất là một dạng nhật ký trực tuyến được sắp xếp theo trình tự thời gian, tức những thông tin mới nhất sẽ được đưa lên đầu. Chúng chứa các đường dẫn hoặc những dấu hiệu liên kết tới nhiều site khác và cho phép độc giả tham gia bình luận ngay trên trang.

Wiki

Mỗi wiki là một website cho phép mọi người chỉnh sửa bất cứ thông tin nào họ đọc trên đó. Nhiều người lo ngại việc này sẽ khiến nội dung trên trang trở nên hỗn loạn, nhưng điều đó đã không xảy ra. Dự án Wikipedia - trang từ điển bách khoa trực tuyến hiện có hơn 1 triệu mục từ với nhiều loại ngôn ngữ - tuy chưa thực sự hoàn hảo nhưng đã trở thành tài liệu tham khảo có giá trị cao đối với hàng triệu người dùng Internet.

Podcast

Podcast được định nghĩa là "sự ghi lại những chương trình phát thanh hoặc tạo file âm thanh, sau đó đăng lên Internet, cho phép mọi người tải về thiết bị số cá nhân". Công nghệ này bắt đầu lan rộng sau khi Apple tuyên bố hỗ trợ dịch vụ trong iTunes và iPod. Do đó, podcast đôi khi được coi là sự kết hợp của hai khái niệm: broadcasting (phát thanh) và máy nghe nhạc Apple iPod.

Thế hệ hai video podcast sẽ còn phải giải quyết nhiều khó khăn nảy sinh khi tạo và chỉnh sửa nội dung trước khi nó có thể trở nên phổ biến.

Web mashup

Trận "càn quét" của Web 2.0 đang diễn ra rất rõ nét tại Thung lũng Silicon (trung tâm công nghệ lớn nhất tại Mỹ). Ngày càng nhiều công ty phát hành những chương trình cho phép kết hợp dữ liệu và dịch vụ trên web của các doanh nghiệp với nhau. Chúng được trộn lẫn (mashup) một cách thông minh và sáng tạo. Ví dụ, ChicagoCrime.org bổ sung cho bản đồ của Google các dữ liệu về tội phạm mà chính phủ cung cấp, giúp mọi người có thêm những thông tin chi tiết.

Web Wide Word

Gần đây, tạp chí danh tiếng Forbes đã giới thiệu một thuật ngữ mới: "Web Wide Word", một kiểu chơi chữ từ "World Wide Web" để chỉ những chương trình xử lý văn bản trực tuyến như Writely của Upstartle (hiện thuộc Google).

Giới quan sát nhận định đây là thời điểm đưa công việc văn phòng lên trên web và tài liệu không còn được lưu cố định trong các ổ cứng máy tính. Điều này hoàn toàn có thể thực hiện được nhờ công nghệ Web 2.0 hay SaaS (phần mềm dịch vụ - Software as a Service).

Đa phần quá trình "di cư" này có sự góp mặt của tập hợp công nghệ được gọi chung là AJAX. AJAX cho phép trao đổi thông tin nhanh chóng giữa máy khách và máy chủ từ xa. Toàn bộ dữ liệu trên trang không cần phải tải lại (refresh) mỗi khi người sử dụng xử lý thông tin (tức nó chỉ tải lại phần dữ liệu vừa được thay đổi).

Xu hướng "browserware" (biến tấu từ software, hardware và browser) đã thâm nhập thế giới doanh nghiệp với những sản phẩm như Salesforce và NetSuite, còn chương trình Microsoft Office Live vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm. Tuy chưa thực sự chau chuốt, sản phẩm được nhiều chuyên gia đánh giá cao là Writely - trình xử lý văn bản trực tuyến với đầy đủ các đặc điểm cần thiết. Khả năng hoạt động của nó khiến mọi người có cảm giác như đây vẫn là một phiên bản của Microsoft Word, trừ việc nó chạy trên trình duyệt và tài liệu được lưu ngay tại site của Writely.

Một tệp tài liệu trên Writely giới hạn là 500 KB, cộng thêm 2 MB cho mỗi hình ảnh được chèn thêm - dung lượng đủ lớn đối với hầu hết người sử dụng thông thường. Mọi người có thể chính sửa tài liệu trên bất cứ hệ thống nào - Windows, Mac hay Linux - miễn là nó được cài trình duyệt chuẩn như Internet Explorer và Firefox (chương trình chưa tương thích Safari và Opera).

Khi một nhóm người cùng soạn một tài liệu, họ có thể ngồi ở vị trí khác để đăng nhập tài khoản và theo dõi những gì người khác đang gõ gần như ngay lập tức. Writely liên tục tự động lưu các thay đổi lên máy chủ, do đó mọi người luôn nhận được thông tin cập nhật nhất. Chương trình thậm chí đưa ra thông báo nếu 2 người cùng xử lý một đoạn text khác hẳn nhau.

Khả năng chỉnh sửa như kéo - thả và kiểm tra lỗi chính tả là điều "đáng nể" đối với một chương trình hoạt động phụ thuộc vào trình duyệt. Writely cũng cho phép khôi phục lại (undo) thông tin trước đó và lưu các phiên bản cũ để mọi người đối chiếu với bản mới nhất.

Tất nhiên, Writely không thể hoạt động nếu máy tính không được kết nối Internet. Bù lại, Writely cho phép lưu tài liệu theo nhiều định dạng, trong đó có Microsoft Word, Adobe PDF và HTML. Một khiếm khuyết nhỏ nữa là dù có tới 18 kiểu chữ và 7 kích cỡ, người sử dụng không thể thiết lập phông mặc định (default) cho mọi tài liệu.

Hiện nay, phần mềm và dung lượng của Writely là hoàn toàn miễn phí và không chứa quảng cáo. Nhưng thời gian tới, Google sẽ thu phí một số tính năng nhất định. Dù sao, Writely vẫn tỏ ra hiệu quả và hấp dẫn hơn nhiều trình xử lý văn bản đắt đỏ khác.

P.T

Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video