Để phòng tránh ngộ độc, người dân không nên ăn các loại cua biển lạ, màu sắc sặc sỡ, có hình dạng khác thường.
Các loại cua có độc ở Việt Nam
Cua biển là món ăn bổ dưỡng và được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, bên cạnh những loài lành tính, nhiều loại cua biển chứa độc tố gây nguy hiểm, đặc biệt, chúng có hình thù kỳ lạ, màu sắc sặc sỡ.
Theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, cho biết hiện có ít nhất 3 loại cua biển độc là cua mặt quỷ, cua hạt và cua Florida, được phân bố ở các vùng biển của miền Trung, Nha Trang và một số nơi khác.
Mới đây, Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cũng xác nhận người đàn ông ở Thanh Hóa bị ngộ độc sau khi ăn cua quạt. Đây là loại cua có độc tính rất cao, rất dễ gây tử vong khi ăn.
Bác sĩ Nguyên cho biết diễn biến ngộ độc cua biển rất nhanh, có thể xuất hiện sau ăn trong vòng vài tiếng trở lại. Nhiều bệnh nhân ăn ngoài biển, trên tàu, đảo, bị ngộ độc và khi đưa vào bờ, không kịp cứu chữa. Thậm chí, nhiều trường hợp bị tử vong trên đường tới viện.
Cua mặt quỷ
Cua mặt quỷ, tên khoa học là Zosimus aeneus, là một trong những loài cua có độc sinh sống ở vùng biển Việt Nam, có nhiều từ Đà Nẵng đến Vũng Tàu. Cua mặt quỷ thường ẩn mình ở các vùng cạn, vùng triều thấp. Chúng có màu gần giống với màu san hô nên rất khó nhận diện.
Theo thông tin từ Viện Hải dương học Nha Trang, cua mặt quỷ có phần vỏ ngực rộng nhất khoảng gần 90 mm, dài khoảng 55 mm. Mai cua có nhiều u lồi dẹt, màu sắc bắt mắt, không giống các loài cua biển thực phẩm. Cua mặt quỷ có màu xanh da trời pha xanh lá cây với những nốt màu trắng, nâu và vàng. Phần chân và càng cua có màu nâu đen.
Thịt, trứng và 2 càng của cua mặt quỷ có chứa các chất độc tương tự trong cá nóc là saxitoxin, neurotoxin và tetrodotoxin. Chất độc của cua mặt quỷ hình thành do nguồn thức ăn chính là các loại tảo trong rạn san hô. Các chất này gây tê liệt hệ thần kinh, ức chế hô hấp. Đây là độc tố cực mạnh với hệ thần kinh, chỉ cần 0,5 mg đã có thể gây tử vong cho người lớn.
Loài cua mặt quỷ có thể gây tử vong khi ăn phải. (Ảnh: Sciencesource).
Cua quạt
Loài cua này có tên khoa học là Demania reynaudii thuộc họ Xanthidae (cua rạn Xanthid). Theo tài liệu, cua quạt là loài giáp xác biển, sống đáy, thường gặp trong các rạn san hô tại vùng biển nhiệt đới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Hiện các nhà khoa học xác định gần 300 loài cua quạt sống ở biển, trong đó, một số chứa độc tố saxitoxin hoặc tetrodotoxin. Đây là 2 độc tố gây ngộ độc tử vong cho người nếu ăn phải.
Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Đào Việt Hà, Viện trưởng Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, độc tố tetrodotoxin có tính bền nhiệt, bền axit nên không bị phân hủy ở nhiệt độ cao khi nấu chín. Thậm chí, nó có thể tồn tại trong các sản phẩm đã được chế biến, cấp đông, đóng hộp.
Độc tố này có thể tác động vào hệ thần kinh trung ương của người và động vật bậc cao, làm ngưng quá trình truyền dẫn tín hiệu thần kinh.
Triệu chứng ngộ độc thường xuất hiện khoảng 30 phút sau khi ăn, bao gồm tê lưỡi, tê môi, chóng mặt, đau đầu, đau thắt vùng bụng, buồn nôn, nôn, nói khó, nuốt khó, mất cân bằng vận động... Trường hợp nặng, nạn nhân bị co giật, sùi bọt mép, hôn mê và có thể tử vong.
Mẫu vật cua quạt Demania renaudii. (Ảnh: Trương Sĩ Hải Trình).
Cua hạt
Cua hạt (Platypodia granulosa) cũng độc như cua mặt quỷ. Cua hạt có thân dạng bầu dục. Vỏ đầu ngực của chúng có dạng nửa vòng tròn, dài nhất khoảng 30 mm, rộng nhất khoảng 40 mm, được phủ kín bởi các u lồi dạng hạt.
Cua sống có màu xanh lá cây đậm hơi vàng, đôi khi màu nâu vàng hoặc hơi đỏ tía. Đốt ngón các chân kìm có màu đen. Loại cua hạt thường được tìm thấy trên rạn san hô sống, ở độ sâu khoảng 3 m, tại Hòn Tằm - Nha Trang.
Đôi khi, chúng bị nhầm với loài cua Florida thường thấy (Atergatis floridus).
Cua Florida
Theo Viện Y khoa Quốc gia Mỹ (NIH), loài cua này có tên khoa học là Atergastis floridus. Chúng có thân dạng bầu dục, mai tương đối hẹp, bề mặt nhẵn, lưng trơn láng. Toàn thân cua có màu xanh nâu đến nâu sẫm, với các đốm vàng lớn trên lưng.
Cua Florida có vỏ đầu ngực gần giống hình elip ngang. Mặt lưng của vỏ cua hơi lồi nhưng láng phẳng, khó xác định các vùng. Các ngón chân kìm màu sậm.
Càng cua có kích thước lớn, bằng nhau và nhẵn với phần đầu hình thìa màu đen. Cua đực thường có càng lớn hơn so với con cái. Mai cua có hình dạng vuông vức, khá dày và có chiều rộng là 8-10 cm. Cua Florida thường hoạt động nhiều hơn vào ban đêm.
Atergatis floridus xuất hiện ở phía đông Ấn Độ Dương, khu vực Đông Nam Á, Australia, phía tây Thái Bình Dương.
Theo Western Australian Museum, thịt của loài cua Florida, giống nhiều loài cua có liên quan từ họ Xanthidae, rất độc. Các chất độc trong loài cua này như tetrodotoxin và saxitoxin được sản sinh bởi vi khuẩn thuộc giống vibrio sống cộng sinh trên cua. Các chất độc này tương tự cá nóc, là yếu tố chính liên quan đến các trường hợp ngộ độc ở động vật có vỏ.