Cách nhận biết thiên thạch

Một người bình thường rất dễ bị lừa khi tìm mua mảnh thiên thạch rao bán với giá rất cao, vì họ rất khó phân biệt đâu là thiên thạch và viên đá bình thường.

>>> Phân biệt sao băng, thiên thạch và sao chổi

Sau vụ nổ thiên thạch ở Nga, một số người tìm kiếm các mảnh vỡ thiên thạch rao bán với giá từ 3 đến 33 USD. Cảnh sát ở vùng Chelyabinsk, Nga đã tịch thu một "mảnh vỡ thiên thạch" từ một người đàn ông địa phương rao bán.

Các chuyên gia cảnh báo người mua nên thận trọng khi tìm mua mảnh thiên thạch vì chúng trông rất giống hòn đá bình thường.

Thiên thạch hiểu khái quát là những vật thể tự nhiên từ khoảng không vũ trụ, bên ngoài trái đất. Thiên thạch có kích thước đa dạng từ vài mm đến hàng nghìn km. Quốc tế phân loại các thiên thạch khác nhau như asteroid, meteoroid. Những thiên thạch có kích thước lớn từ vài trăm m đến nghìn km chuyển động xung quanh mặt trời được gọi là tiểu hành tinh (asteroid), trong khi thiên thể có kích thước lớn hơn hạt bụi, nhưng nhỏ hơn so với tiểu hành tinh thì được gọi là meteoroid.

Ông Nguyễn Đức Phường, Hội thiên văn vũ trụ Việt Nam cho biết, thiên thạch có đặc điểm riêng có thể phân biệt bằng mắt thường. "Bề mặt thiên thạch thường đen nhẵn và bóng. Cũng có thiên thạch trên bề mặt có những vết lõm tròn nhẵn, hoặc các đường sẻ nứt do quá trình bào mòn và cháy nổ trong không khí", ông Phường nói.

Bên cạnh đó, bên ngoài mặt cắt của thiên thạch sẽ thấy nhiều hạt trong nhỏ, đường kính 1-3mm.

Về khối lượng, với cùng một kích cỡ thì thiên thạch thường nặng hơn và cứng chắc hơn đá thường. Thiên thạch thường chứa lượng sắt nhất định, có từ tính, dùng nam châm thử để nhận biết,

Vể màu sắc, thiên thạch thường có màu đen, hoặc ngả màu đen vàng do bị oxy hóa.

Theo bộ sách 10 vạn câu hỏi vì sao, thành phấn chủ yếu của thiên thạch là sắt và niken, trong đó sắt chiếm khoảng 90%, niken 4-8%. Lượng niken trong sắt tự nhiên trên trái đất không nhiều như vậy. Nếu mài nhẵn mặt cắt của thiên thạch sắt rồi dùng axit nitric bôi vào, sẽ xuất hiện những vết rỗ rất đặc biệt, giống như các ô hoa. Đó là vì thành phần các chất trong thiên thạch sắt phân bố không đều, chỗ nhiều chỗ ít niken. Chỗ chứa nhiều niken khó bị axit ăn mòn và ngược lại, tạo nên các đường vân. Đây cũng là một cách để nhận biết thiên thạch.

Nhưng, theo ông Phường, khi ai đó có trong tay một thiên thạch, tốt nhất nên nhờ chuyên gia thẩm định để có kết luận chính xác.

Thiên thạch và đá tectit

Hai loại này hoàn toàn khác nhau về tính chất và nguồn gốc. Theo nhiều nhà khoa học, đá tectit có nguồn gốc từ trên trái đất, chứ không giống như thiên thạch, Đặng Tuấn Sơn, Câu lạc bộ thiên văn nghiệp dư TP HCM (HAAC) khẳng định.

Thực chất, tectit hình thành do cú va chạm của các thiên thạch vào trái đất. Theo các nhà khoa học trái đất và khoa học hành tinh, tectit bao gồm các mảnh vật chất trên trái đất bị bắn ra trong quá trình xảy ra vụ va chạm (tại vị trí va chạm) của các vật thể ngoài trái đất.

Thành phần hoá học và đồng vị của tectit cho thấy, chúng bắt nguồn từ quá trình nóng chảy của các loại đá trầm tích hay giàu silicon dioxide trong chính vỏ trái đất. Bên cạnh đó, theo phương pháp xác định tuổi phóng xạ, hầu hết tectit có tuổi trong khoảng vài trăm ngàn tới vài chục triệu năm - quá nhỏ so với độ tuổi xấp xỉ khoảng 4,6 tỷ năm của các thiên thạch.

Ở Việt Nam, tectit phân bố ở một số nơi như Cao Bằng, Yên Bái, tập trung nhiều ở Lâm Đồng. Chúng được bán với giá vài trăm ngàn đồng/kg, tùy kích thước.


Thiên thạch Willamette tìm thấy ở Mỹ năm 1902. (Ảnh: Wikipedia)

Thiên thạch có thể gây ra hậu quả gì?

Theo ông Duy, hàng ngày, khí quyển trái đất thường xuyên bị tấn công bởi hàng trăm mảnh đá bụi đủ kích thước, chủ yếu mảnh kích cỡ nhỏ hơn 10m, chúng thường tan vỡ thành nhiều mảnh nhỏ và cháy rụi trước khi kịp chạm đất và ít tới mặt đất. Những vật thể lớn không cháy hết trong bầu khí quyển cho tới khi xuống mặt đất thường gọi là thiên thạch. Khi thiên thạch nằm ở mặt đất, nó mang kích thước nhỏ.

Với thiên thạch nhỏ hơn 10m đa phần không gây sự cố nghiêm trọng khi rơi xuống mặt đất. Còn thiên thạch tương đối lớn có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Các thiên thạch từ 10 đến 100m, từ 1 đến 10km hay lớn hơn 10km có thể gây ra tổn thất trên phạm vi khu vực, toàn hành tinh và ảnh hưởng hay phá hủy cả sự sống trên trái đất, bởi nó đủ lớn để còn sót lại một khối lượng lớn tạo nên một vụ va chạm rất lớn với bề mặt hành tinh chúng ta. May mắn là kích thước càng lớn thì xác suất xảy ra càng thấp.

Với các thiên thạch kích thức 10-100m thì trong vài thế kỷ, thậm chí vài chục ngàn năm mới có một lần. Các thiên thạch khoảng 1km chỉ chiếm 0.001%, tần suất xuất hiện khoảng 200 ngàn năm, còn đường kính 10km khoảng 10 triệu năm một lần và tới 15km hay hơn thì khoảng 100 triệu năm một lần.

Các nhà thiên văn học lo tìm những thiên thạch lớn bởi chúng có thể là một tai họa nghiêm trọng. Một vật có đường kính nhỏ hơn 50m sẽ cháy rụi trên đường đi, nhưng phần còn lại của một khối đá có đường kính 1km khi rơi xuống mặt đất đủ sức xóa sạch một thành phố.

Nhiều nhà khoa học còn cho rằng nguyên nhân khiến cho loài khủng long biến mất là do một thiên thạch lớn rơi xuống trái đất 64 triệu năm trước và đâm vào Trung Mỹ. Vụ va chạm này làm tung lên lớp bụi che lấp ánh sáng mặt trời trong nhiều năm, giết chết các loài thực vật - thức ăn của loài khủng long.

Thực tế, thiên thạch mà con người lưu giữ rất ít, chủ yếu là thiên thạch nhỏ.

Liên quan tới vụ nổ thiên thạch ở Nga, ông Duy cho rằng, chính sóng xung kích đã làm vỡ và thổi bay kính các cửa sổ tại các tòa nhà, ảnh hưởng tới mạng điện thoại di động, gây thương tích cho hàng trăm người.

Theo VNE
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video