Chuyên gia trong lĩnh vực máy tính đã hé lộ cách hoạt động của hệ thống phục vụ bầu cử Mỹ.
Căng thẳng chính trị và đại dịch Covid-19 khiến số cử tri bỏ phiếu sớm trong kỳ bầu cử Mỹ năm nay tăng kỷ lục. Đó là lý do việc kiểm phiếu diễn ra khá lâu, thậm chí hệ thống kiểm phiếu giữa các bang cũng có sự khác nhau.
Dù công nghệ và quy trình bỏ phiếu được cải tiến so với trước, vẫn không thể tránh khỏi sai sót trong việc kiểm phiếu, cả vô ý lẫn cố ý.
Các nhân viên kiểm tra máy bầu cử tại Florida (Mỹ). (Ảnh: Getty Images).
2 hình thức bầu cử hiện nay tại Mỹ
Mỹ từng áp dụng bầu cử bằng máy đòn bẩy (lever voting machine) và phiếu bầu đục lỗ nhưng đã ngừng triển khai do lỗi thời. Hiện có 2 hình thức bỏ phiếu được áp dụng, xuất hiện từ những năm 1960 và 1970.
Một trong những hình thức đang được áp dụng là phiếu bầu với máy quét quang học. Cử tri sẽ tô đen vị trí được đánh dấu trước tên ứng viên. Phiếu bầu sau đó được đưa vào máy quét để chụp hình, phân tích và thống kê dữ liệu. Hiện đây là hình thức bầu cử phổ biến nhất tại Mỹ.
Hình thức thứ 2 là bầu trực tiếp bằng máy, được bang Illinois sử dụng lần đầu vào những năm 1970. Đến năm 2002, hình thức này mới được áp dụng rộng rãi khi cựu Tổng thống George W. Bush thông qua chương trình Help America Vote Act. Dù sử dụng công nghệ hiện đại, hình thức này gây ra nhiều lo ngại về tính bảo mật.
Máy đòn bẩy và phiếu đục lỗ từng là 2 hình thức bầu cử phổ biến tại Mỹ. (Ảnh: History, National Museum of American History).
Vấn đề lớn nhất đối với máy bầu cử trực tiếp là không ai đảm bảo lựa chọn của cử tri sau khi nhấn nút bầu cử được ghi nhận đúng. Chỉ người tạo ra phần mềm cho chiếc máy đó mới biết cơ chế hoạt động, nghĩa là cử tri và chính quyền phải tin tưởng họ.
Douglas Jones, nhà khoa học máy tính Đại học Iowa, cho rằng mối đe doạ lớn nhất không phải từ bên ngoài mà là chính sai lầm từ bên trong.
Một lỗi kinh điển là nhầm thứ tự các ứng viên hiển thị trên lá phiếu và dữ liệu trong máy quét, từng diễn ra tại quận Pottawattamie trong đợt bầu cử sơ bộ hồi tháng 6/2006 khiến kết quả bị sai lệch. Các nhân viên phải đếm lại kết quả bằng tay nhờ sự giúp đỡ của phiếu giấy.
"Có thể mất vài tuần để bầu cử hoàn tất"
Vào tối ngày bầu cử, việc kiểm phiếu chủ yếu dành cho lá phiếu vắng mặt. Những máy quét có thể quét đến khoảng 800 phiếu mỗi phút. Một số điểm còn sử dụng máy cắt, lấy phiếu tự động. Khi cho vào máy quét, camera sẽ chụp và xác nhận chữ ký cử tri. Tuy nhiên, Jones cho rằng việc xác nhận chữ ký đa phần dựa vào cảm giác của người kiểm tra nên khả năng một số chữ ký hợp lệ bị loại bỏ là khá cao.
Theo Jones, việc kiểm phiếu dựa trên dấu bưu điện ngày gửi cũng có thể gặp vấn đề. Iowa là một trong những bang áp dụng quy định này cho hình thức gửi phiếu qua thư. Điều đó có thể khiến phiếu bầu đến văn phòng nhiều ngày sau bầu cử. Nếu những yếu tố khác đều hợp lệ và dấu ngày bưu điện đúng quy định, lá phiếu đó vẫn được tính.
Theo Jones, mối đe doạ trong bầu cử không phải từ bên ngoài mà là chính sai lầm bên trong. (Ảnh: Getty Images).
Nhiều bưu điện hiện nay đã hạn chế việc đóng dấu để thay bằng mã vạch, chứa các thông tin gồm ngày quét. Tuy nhiên, mã vạch lại không được chấp nhận tại một số bang. Đó là lý do sử dụng dấu bưu điện cho tính hợp lệ của phiếu bầu là vấn đề khá lớn.
Sau ngày bầu cử còn có quá trình gọi là kiểm tra chéo. Ví dụ tại Miami sẽ có một bảng thống kê kết quả. Sau khi có toàn bộ dữ liệu này, nhân viên sẽ thu thập số lượt bầu cử được ghi nhận bởi máy quét rồi đối chiếu với bảng thống kê. Ông Jones cho biết quá trình này có thể mất vài ngày dù bang ấy không có phiếu bầu vắng mặt.
Vào lúc đó, hội đồng bầu cử sẽ ký tên vào báo cáo. Báo cáo sau đó được gửi đến tiểu bang để xác minh. Nhiều bang áp dụng việc kiểm tra độc lập trước khi ký vào báo cáo, trong khi một số bang như Iowa thì ký trước rồi kiểm tra độc lập sau.
Dù luật pháp Iowa cho rằng kiểm tra độc lập không thể thay đổi kết quả bầu cử, quá trình này vẫn sẽ cho thấy sai sót nếu có. Vì vậy, có thể mất vài tuần để cuộc bầu cử hoàn tất.