Cách yêu nước của một nhà ung thư học

Là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu công nghệ sinh học, sinh vật phân tử ứng dụng trong y dược học, tên tuổi của TS Nguyễn Trọng Bình trở thành mối quan tâm hàng đầu của các tập đoàn, công ty dược lớn tại Mỹ nhưng anh vẫn đi đi về về Việt Nam, chỉ để chuyển giao công nghệ cho trí thức trẻ Việt Nam. 

Mỗi năm tranh thủ những ngày nghỉ về thăm quê hương, anh lại làm cuộc hành trình từ Bắc chí Nam. Có khi trên đường đi phát hiện một căn bệnh làm hại cây lúa, anh nhiệt tình hướng dẫn cách phòng, chữa trị cho bà con nông dân. Có khi là những buổi chuyện trò hướng dẫn nông dân trồng nấm rơm bằng cách ủ men nấm.

Tấm lòng của người con xa xứ

TS Nguyễn Trọng Bình

Từ những năm 1990, TS Bình đã tìm đến các trường đại học, các viện sinh học. Tại Viện Sinh học nhiệt đới TP.HCM, ngoài việc tham gia giảng dạy, anh trực tiếp đào tạo, giúp đỡ nhiều cán bộ trẻ của viện.

TS Văn Thị Hạnh, người được anh trực tiếp hướng dẫn làm luận án tiến sĩ từ những năm 1990 và hoàn tất luận án TS năm 2000 nhớ lại: "Là người hướng dẫn luận án của tôi, ngoài việc gửi những tài liệu rất có giá trị, anh Bình còn cho tôi những lời khuyên rất hữu ích. Trên cơ sở đó, tôi đã định hướng và phát triển được kết quả nghiên cứu cho hướng ứng dụng trong thực tế". Luận án của TS Văn Thị Hạnh là nghiên cứu tế bào côn trùng, tìm văc-xin phòng chống bệnh cho tôm. Đây cũng là thời kỳ bệnh đốm trắng ở tôm đang hoành hành ở Việt Nam nên nghiên cứu của TS Hạnh đóng vai trò rất lớn và có giá trị thực tế cao.

PGS.TS Nguyễn Văn Uyển, nguyên phó viện trưởng Viện Sinh học nhiệt đới, người đã từng làm việc với TS Nguyễn Trọng Bình suốt hơn 15 năm qua cho biết: "TS Nguyễn Trọng Bình là một chuyên gia trong lĩnh vực nuôi cấy tế bào động vật cho mục tiêu sản xuất ra các chế phẩm sinh học phục vụ y tế. Đây cũng chính là vấn đề mà Viện Sinh học nhiệt đới rất quan tâm, vì vậy suốt 15 năm qua chúng tôi nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của TS Bình. Đặc biệt là TS Bình đã giúp chúng tôi thông tin, tài liệu và các vấn đề liên quan đến việc nuôi cấy tế bào côn trùng nhất là dòng tế bào Sf9 và khả năng ứng dụng vào sản xuất ra văc-xin chống bệnh virút cho tôm. Việc nuôi cấy dòng tế bào Sf9 ở viện lúc này gặp rất nhiều khó khăn vì chưa có đủ cơ sở vật chất lẫn kinh nghiệm nên bị nhiễm và chết. TS Bình lại tiếp tục gửi nhiều lần cho đến khi Viện Sinh học nhiệt đới nuôi thành công và hoàn toàn làm chủ kỹ thuật này. TS Nguyễn Trọng Bình đã có công rất lớn và có thể xem là một điển hình trong chuyển giao công nghệ mới. Nếu không có sự hiểu biết sâu sắc thực tế đất nước và cái tâm của nhà khoa học, lòng mong muốn được cống hiến thì không thể thực hiện được".

TS Nguyễn Trọng Bình tâm sự: "Có ai khi thành đạt mà không nghĩ về quê hương, về quê cha đất tổ? Với tôi, "chất Việt Nam" như chất muối mặn trong dòng máu của mình. Như mọi người Việt Nam khác, ở tuổi này, tôi mang nặng lòng ưu tư đối với đất nước".

Khát vọng tri thức

Mười tám tuổi, Nguyễn Trọng Bình lên đường sang Nhật du học. Trải qua những khó khăn thiếu thốn, chàng trai trẻ Nguyễn Trọng Bình càng nung nấu ý chí: phải học, học để thành tài. Suốt ngày miệt mài bên đèn sách và phòng thí nghiệm, kết quả tưởng thưởng cho công sức của anh khi anh trở thành một trong những sinh viên Việt Nam xuất sắc tại Nhật. Đề tài mà Nguyễn Trọng Bình nghiên cứu là các hoạt chất chống ung thư và vi rút từ vi sinh Hydrogenovora.Tại các hội nghị quốc tế, chính nghiên cứu của anh đã gây tiếng vang và tạo sự chú ý đối với các giáo sư quốc tế. Năm 1981, Nguyễn Trọng Bình đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ vi sinh, hoá sinh tại Đại học Tổng hợp Tokyo. Khi vừa hoàn thành luận án tiến sĩ, anh được giáo sư Wolfgang Sadeé tại đại học California (UCSF) mời sang Mỹ để nghiên cứu về cơ cấu phản ứng trong tế bào của thuốc chống ung thư. Đây là thời gian các ngành công nghệ cao tại Mỹ cũng như trên thế giới nở rộ.

TS Nguyễn Trọng Bình cùng các đồng nghiệp đã đóng góp quan trọng cho khoa học ngành ung thư của y khoa khi cùng phát minh ra một cách chữa bệnh mới cho bệnh nhân ung thư. Đó là việc cấy tế bào chuyển gen GmCSF tăng tính miễn dịch vào cơ thể bệnh nhân giúp hệ thống miễn dịch của bệnh nhân ung thư mạnh lên và đủ sức tự tiêu diệt các tế bào ung thư. Đây là cách chữa bệnh mới đã được Bộ Y tế Mỹ công nhận và đưa vào chữa bệnh lâm sàng. Tên tuổi của Nguyễn Trọng Bình đã trở thành mối quan tâm và "săn lùng" tại các công ty dược lớn của nhiều quốc gia. Nhiều nghiên cứu của anh và đồng nghiệp đã được ứng dụng và giúp việc sản xuất ra hàng loạt loại thuốc chống lão hoá, AIDS (Viracept) đã đem lại những thương vụ trị giá hàng tỉ USD/năm; nhưng với anh con đường nghiên cứu khoa học là "cám dỗ" lớn nhất mà anh theo đuổi và trăn trở về một Việt Nam giàu mạnh luôn làm anh suy tư.

Bảo Nghi

* Năm 1981, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ vi sinh, hoá sinh tại Đại học tổng hợp Tokyo

* Từ năm 1990, ông thường xuyên về nước tham gia đào tạo các sinh viên Việt Nam, là người có công trong chuyển giao công nghệ mới ở Việt Nam.

* Gần 10 năm nay, tiến sĩ Nguyễn Trọng Bình làm nghiên cứu tại hãng dược phẩm Pfizer ở San Diego nhằm tìm ra những hoá chất chống các bệnh hiểm nghèo như ung thư, parkinson hay béo phì.

* TS Nguyễn Trọng Bình có bốn sáng chế tại Mỹ và châu Âu, đoạt nhiều giải thưởng quốc tế.

Theo SGTT
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video