Camera siêu tốc ghi hình cú đấm nhanh như đạn bắn của tôm tít

Tôm tít nổi tiếng sở hữu chiếc càng giống cây gậy có thể vung ra cú đánh chí mạng đối với mọi thứ từ con mồi vỏ cứng tới lớp kính dày của bể thủy cung.


Tôm tít tấn công đồng loại bằng cú đánh chí mạng. (Video: New Atlas).

Nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Experimental Biology hé lộ điều gì sẽ xảy ra nếu chúng tấn công đồng loại với tốc độ ra đòn 23 m/s, theo New Atlas. Nhà sinh thái học Patrick Green ở Đại học California, Santa Barbara, ghi hình thành công hai con tôm tít tranh giành lãnh thổ, đồng thời hé lộ cách sinh vật nhỏ bé nhưng mạnh mẽ này chặn cú đánh nhanh ngang tốc độ một viên đạn 5,56 mm bắn ra ở khoảng cách gần.

"Đối với tôm tít, các đối thủ nện cú đánh nhanh như đạn bắn vào tấm bọc đuôi của nhau, hoặc đốt cuối bụng, trong cuộc chiến giành nơi trú ngụ", Green giải thích. "Trong các cuộc chiến tự nhiên, chúng tôi thấy tôm tít cuộn đuôi lại trước cơ thể giống như một lá chắn".

Khi tìm hiểu tôm tít rạn đá (Neogonodactylus bredini) có thể đối phó cú đánh hung bạo từ cá thể khác như thế nào mà không vỡ thành nhiều mảnh, Green phát hiện con vật tự vệ có thể cuộn đuôi theo tư thế giống võ sĩ đấm bốc để hấp thụ lực tấn công, qua đó phân tán sức mạnh của đối thủ. Ông để hai con tôm tít chiến đấu với nhau và quay lại ở chế độ chuyển động siêu chậm. Ngay khi đối mặt, đôi tôm tít gần như lập tức đánh nhau, theo Green. Nhà sinh thái học có thể ghi lại những cú đánh cực nhanh và mạnh bằng cách quay 30.000 - 40.000 khung hình/giây, nhanh gấp khoảng 1.000 lần so với camera thông thường.


Cú ra đòn nhanh đến mức khiến nước ở trước càng tôm tít bốc hơi chớp nhoáng.

Các nghiên cứu trước đây xác định phần đuôi cuộn lại giống lò xo là mấu chốt để tôm tít sống sót qua đòn tấn công từ đồng loại hung dữ giành lãnh thổ, nhưng nghiên cứu mới nhất đo chính xác lá chắn tự nhiên này hiệu quả tới mức nào và phản ứng của chúng nhanh nhạy ra sao. Cú ra đòn nhanh đến mức khiến nước ở trước càng tôm tít bốc hơi chớp nhoáng.

Khi phân tích chuyển động, mức trao đổi năng lượng và tác động, Green nhận thấy con tôm tít tự vệ có thể hấp thụ lực va chạm và phân tán khoảng 90% lực đánh từ càng của đối thủ. Bí quyết nằm ở chỗ con vật cuộn đốt cuối bụng lại và treo mình trong nước với tất cả chân nhấc khỏi đáy biển, khiến cú đánh trở nên vô lực.

Trong khi đó, lớp giáp cứng bảo vệ cơ thể không xương sống mềm và dễ tổn thương của tôm tít thu hút nhiều sự quan tâm nhằm phát triển vật liệu nhẹ và bền. Thị lực nổi tiếng của chúng cũng là một siêu năng lực khác mà các nhà khoa học hy vọng có thể đưa vào ứng dụng. Hiện nay, giới nghiên cứu ghi nhận khoảng 400 loài tôm tít trên Trái đất.

Cập nhật: 21/05/2024 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video