Cần cù khó bù thông minh, học như trâu cày nhiều khi chẳng hiệu quả bằng ít học

Vừa học vừa chơi nghỉ ngơi đúng mực tưởng chừng là cách thức học tập tồi tệ, thế nhưng thử nghiệm đã cho thấy nó hiệu quả hơn tương đối so với cách thức học tập truyền thống.

Những người làm giáo dục luôn tìm cách để phương pháp giảng dạy trở nên hiệu quả hơn, và thật bất ngờ khi họ phát hiện ra rằng bí mật để học tập hiệu quả nhiều khi là... học ít hơn.

Các nhà nghiên cứu giáo dục đã tìm ra rất nhiều bằng chứng để xác nhận cho nhận định trên. Họ cho rằng có những khoảng nghỉ ngơi phù hợp sẽ khiến lượng kiến thức được ghi nhớ lâu hơn. Điều này không chỉ đúng cho học sinh, sinh viên mà còn là những doanh nghiệp, công ty đang có các khóa đào tạo nhân sự.


Có những khoảng nghỉ ngơi phù hợp sẽ khiến lượng kiến thức được ghi nhớ lâu hơn.

Ý tưởng này ban đầu được khởi xướng bởi Paul Kelley, một cựu hiệu trưởng mê ngủ, hay đi làm muộn. Chính vì thói quen của mình mà Paul đã rời giờ học của học sinh xuống muộn hơn và thật thú vị khi ông phát hiện ra rằng não bộ của giới trẻ nói riêng và con người nói chung, chúng ta không làm mọi thứ tốt lắm vào sáng sớm.

May mắn thay cho con người, ngoài sở thích ngủ, Kelley cũng rất thích nghiên cứu cải thiện giải pháp giáo dục. Hiện nay ông đang là nhà chuyên viên nghiên cứu tại Đại học Oxford và là chủ tịch của Hội khoa học cao cấp vương quốc Anh. Trong quá trình nghiên cứu của mình, Kelley đã phát hiện ra sự liên quan mật thiết giữa các gói thời gian với trí nhớ dài hạn của con người.

Nghe gì mà phức tạp tầm cỡ giáo sư thế?

Nói đơn giản, trí nhớ được thực hiện dựa trên hoạt động của các nơ-tron thần kinh trong não bộ. Thế nhưng, để nó được thực hiện, các nơ-ron này cần có thời gian nghỉ ngơi, không bị làm phiền. Nói đơn giản hơn là cứ cắm đầu vào học liên tục chúng ta sẽ chẳng nhớ được mấy, thế nhưng vừa học vừa chơi nghỉ ngơi hợp lý sẽ là phương pháp học tập đỉnh cao giúp cho kiến thức nhớ lâu hơn và dễ lôi ra sử dụng khi cần thiết.


Giáo sư Paul Kelley, người từng có nghiên cứu gây tranh cãi đăng tải trên The Guardian vì ông cho rằng dậy muộn mới là cách để thế giới này tốt đẹp hơn.

Trong quá trình học tập, nếu nơ-ron thần kinh bị phân tâm khi chúng hoạt động, trong quá trình xây dựng trí nhớ, thì khoảng trí nhớ này sẽ bị ảnh hưởng. Đây là lý do vì sao học vẹt tưởng là rất nhanh thế nhưng quên cũng nhanh và chỗ được chỗ mất. Chúng ta bắt ép não bộ dung nạp vào quá nhiều thứ cùng lúc khiến nó ghi nhớ không kịp.

Tất nhiên chẳng mấy ai tin vào nghiên cứu của Kelley, nhiều người cho rằng nó chẳng có chút liên quan nào tới việc ghi nhớ khi mà lặp đi lặp lại nhiều lần thì sẽ nhớ dễ hơn. Chính vì thế, Kelley nhờ tới sự trợ giúp của trường kinh doanh Surrey tại Anh để thử nghiệm xem ý tưởng của ông có đúng hay không.


Chúng ta bắt ép não bộ dung nạp vào quá nhiều thứ cùng lúc khiến nó ghi nhớ không kịp.

Thử nghiệm Kelley

600 sinh viên được mời tham gia thử nghiệm này, họ được chia thành 3 nhóm. Họ được yêu cầu học cùng một giáo trình về quảng cáo thế nhưng cách thức tiếp cận, cách học khác nhau. Nhóm đầu tiên học theo cách truyền thống, học tập và rồi kiểm tra bài. Nhóm thứ 2 được giao tự học và nhóm thứ 3 được phép vừa học vừa chơi thích nghỉ lúc nào thì nghỉ. Phương pháp của nhóm thứ 3 được gọi là Spaced learner khi mà họ có những khoảng nghỉ nhất định trong quá trình học tập của mình.

Tất nhiên, cách thức học tập của nhóm thứ 3 cũng chẳng giống chút nào với những nhóm khác. Có những khoảng thời gian lên lớp họ bị nhồi nhét kiến thức vào đầu một cách liên tục, chép còn chẳng kịp nói gì đến nhớ. Thế nhưng, sau khoảng thời gian nhồi kiến thức đó là 10 phút nghỉ để sinh viên muốn làm gì thì làm. Có người thì ngồi ngoáy mũi, có người thậm chí dùng thời gian nghỉ để hoàn thành một bản nhái tranh của Picasso.

Kết quả ban đầu

Sau một tuần học tập, 600 sinh viên trong thử nghiệm được yêu cầu làm một bài kiểm tra ngắn. Bài kiểm tra này nhắm tới 3 yếu tố, khả năng hấp thụ kiến thức, áp dụng thực tế và những bài học ngoài mà giáo trình không giảng dạy tới.

Và khi chấm điểm, những người vừa học vừa chơi kiểu Spaced learner nhớ được nhiều hơn 20% so với những người học theo cách truyền thống và 23% nhiều hơn những người tự học.

Nói theo cách khác, cùng một giờ học tập, những người vừa học vừa chơi nhớ nhiều hơn 1/5 so với những người học theo cách thông thường. Còn tự học thì chẳng bàn, nhiều người có khi còn chẳng học.

Những thông số càng thú vị hơn khi nhóm nghiên cứu chấm điểm kĩ hơn vào bài làm. Sinh viên học tập theo cách truyền thống nhớ 78% những gì họ học trong nửa tiết đầu và chỉ 22% trong nửa sau. Đó có nghĩa là học tập chỉ 30 phút hiệu quả hơn gấp gần 4 lần so với học liên tục 1 tiếng đồng hồ.

Tới phần 2, áp dụng thực tế, những người thuộc nhóm Spaced learner một lần nữa vượt trội hơn. Mặc dù vậy, khoảng cách giữa họ với những nhóm kia bị rút ngắn. Họ chỉ hơn 13% so với sinh viên học truyền thống và 19% so với những người tự học.


Tự học là cách được nhiều người ưa chuộng thế nhưng hiệu quả thực tế của nó lại không được cao cho lắm.

Tương tự với kiến thức bổ sung ngoài sách vở, nhóm Spaced learner có kết quả cao hơn chỉ 10% so với nhóm học truyền thống và 15% cao hơn nhóm tự học. Cuối cùng, kết quả tổng tất nhiên nhóm Spaced learner có kết quả cao nhất tiếp theo tới nhóm học tập truyền thống và bét bảng là nhóm tự học.

Hào hứng với kết quả của nghiên cứu, giáo sư Andy Adcroft cho rằng phương pháp Spaced learning của Kelley hiệu quả hơn nhiều so với cách thức giảng dạy truyền thống mà tất cả các trường học đang áp dụng.

Mặc dù vậy, giáo sư Andy Adcroft cũng cho rằng cách thức học tập Spaced learning không thể thay thế hoàn toàn được phương pháp học tập truyền thống. Nó có thể được đan xen với các tiết học truyền thống nhưng không thể nào thay thế được hoàn toàn.

"Qua thử nghiệm có thể thấy được hiệu quả mà cách thức giảng dạy trên mang lại. Chúng ta có thể phối hợp sử dụng Spaced learning cho những tiết học có kiến thức nền, kiến thức cơ bản hay những kiến thức quan trọng. Thế nhưng ở những tiết học khác vẫn cần được giảng dạy theo phương pháp truyền thống. Phương pháp này có lẽ sẽ phù hợp hơn với những tổ chức có đào tạo, giáo dục nhân viên để tiết kiệm chi phí học tập, nhân viên sẽ không mất quá nhiều tiết học để nắm được kiến thức đào tạo ban đầu. Thật thú vị khi phát hiện ra những cách thức giáo dục hiệu quả hơn mà chúng ta ít khi để tâm tới", giáo sư Andy Adcroft phát biểu.

Như vậy, qua thử nghiệm trên có thể thấy, cách thức học tập hiệu quả nhất không phải là cắm đầu vào học thâu đêm suốt sáng, dành ra hàng chục giờ mà là những khoảng thời gian học căng thẳng, tập trung trong 30 phút và rồi nghỉ ngơi 10 đến 15 phút sau khi học. Thế đấy, nhiều khi cần cù cũng chẳng thể nào bù nổi học tập có phương pháp, thông minh.

Mặc dù vậy, thử nghiệm trên mới chỉ được thực hiện ở mức độ 600 sinh viên nên có thể nó không đúng với nhiều người. Nếu cảm thấy cách thức học tập truyền thống không phù hợp, hãy thử thay đổi để xem Spaced learning có phù hợp với bạn hay không.

Cập nhật: 19/01/2018 Theo Trí Thức Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video