Các chuyên gia khuyến cáo, bị cảm cúm, cảm lạnh – triệu chứng dễ gặp nhất khi rét đậm, rét hại, tuyệt đối không tự ý dùng kháng sinh.
Theo dự báo từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, bắt đầu từ sáng nay, 22/1, bộ phận không khí lạnh rất mạnh sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ, xuất hiện rét đậm, rét hại diện rộng kéo dài đến 27/1. Vùng núi có khả năng cao xảy ra băng giá và mưa tuyết. Riêng Hà Nội sẽ có mưa từ hôm nay, nhiệt độ có thể xuống thấp tới mức 6 độ C – mức rét nhất từ đầu mùa đông. Điều này làm người dân lo ngại bởi mùa đông năm nay được đánh giá là "mùa đông không lạnh".
Trao đổi với PV, đại tá - bác sĩ Phạm Văn Tiến - Trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện 103 cho hay, qua thực tế khám chữa bệnh, những ngày rét đậm gần đây, bệnh nhân nhập viện với các bệnh lý về hô hấp, cảm cúm, cảm lạnh là nhiều nhất.
Với thời tiết lạnh có độ ẩm cao, nhiệt độ thấp, cộng thêm khả năng đề kháng của cơ thể bị suy giảm, tất cả là điều kiện thuận lợi để vi trùng, virus, nấm mốc, ký sinh trùng... phát triển nên con người dễ mắc bệnh. Đặc biệt, các virus gây cảm cúm thường lây truyền qua không khí bởi các hạt nước bọt li ti được bắn ra do ho, hắt hơi hoặc qua các chất dịch tiết của người bệnh. Do đó, bệnh thường lan truyền từ người bệnh sang người lành, dẫn tới nhiều người bị một lúc.
Cảm cúm và cảm lạnh là triệu chứng thường gặp, không quá đáng lo ngại.
Người bị cảm cúm có biểu thường gặp nhất là mệt mỏi, sốt, nhức đầu, lừ đừ, đau rát họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, ho. Riêng sốt có thể gặp sốt nhẹ trong những ngày đầu, sau đó sốt cao và bệnh có thể kéo dài trong vài ngày, có thể kéo dài 7-10 ngày.
Nếu không được chăm sóc tốt, bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm khác như viêm phổi, suy hô hấp, nhất là với những người có sức đề kháng kém.
Còn với cảm lạnh, bạn có thể cảm thấy cổ họng khô, đau, hắt hơi, đau đầu, chảy nước mũi với chất nhầy, chảy nước mắt, ớn lạnh, và sốt. Sau đó, các triệu chứng có thể bao gồm nghẹt mũi, đau xoang, ho, đau nhức cơ bắp về đêm, mệt mỏi và chán ăn.
Tuy nhiên, bác sĩ Tiến cũng cho rằng cảm cúm và cảm lạnh là triệu chứng thường gặp, không quá đáng lo ngại. Thông thường chúng có thể khỏi trong vòng một tuần.
Bác sĩ khuyến cáo khi bị các bệnh lý trên, tuyệt đối không dùng kháng sinh song thói quen của người Việt hiện nay rất nguy hiểm khi tự ý sử dụng kháng sinh mỗi khi có bệnh. Theo đó, chỉ dùng kháng sinh khi bị sốt giảm bạch cầu hoặc có nhiễm trùng. Với các loại cúm thông thường, không được dùng thuốc tùy ý. Kể cả thuốc hạ sốt cũng chỉ dùng khi sốt quá 3 ngày và trên 38,5 độ C.
Người bệnh chỉ nên điều trị triệu chứng, chẳng hạn có đờm thì uống thuốc long đờm, ho thì điều trị ho... Hiện nay, Bộ Y tế đang lo ngại vì tình trạng kháng thuốc ở nước ta. Do đó, người dân cần nâng cao ý thức trong việc sử dụng thuốc hàng ngày.
Để phòng bệnh cúm, mỗi người cần vệ sinh cá nhân tốt, giữ ấm cơ thể, đặc biệt mỗi khi đi ra ngoài trời, chú ý vùng cổ, mũi, họng. Bên cạnh đó, còn có cách hiệu quả nhưng ít người chú trọng là phải ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
Còn tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho hay, bắt đầu từ những ngày gần đây, số bệnh nhi bị viêm đường hô hấp, sốt cao và có biến chứng viêm phổi đã tăng. Ở trẻ nhỏ, do trọng lượng cơ thể thấp, khả năng sinh nhiệt để duy trì nhiệt độ cơ thể hạn chế nên càng dễ bị các biến chứng do nhiễm lạnh.
Trong những ngày trời lạnh, bạn nên tránh uống nước lạnh, nên uống trà gừng, trà thảo mộc để giữ ấm cơ thể.
Do đó, bác sĩ khuyến cáo khi trời lạnh nên hạn chế tối đa việc cho trẻ ra ngoài trời. Nếu bắt buộc phải ra ngoài, cần hết sức chú ý, cho mặc ấm, tránh gió thổi trực tiếp vào người. Ở trong nhà, cũng cần đóng kín các cửa, khe hở, tránh gió lùa. Tuy nhiên, cần lưu ý không nên giữ ấm quá mức, đặc biệt không dùng điều hòa nhiệt độ ở nhiệt độ cao dẫn tới chênh lệch nhiệt độ trong và ngoài nhà quá cao khiến trẻ dễ bị bệnh. Tốt nhất nên để trẻ ở những nơi thoáng, có sự đối lưu không khí.
Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Hà Nội) cũng lo ngại cho các bệnh nhân mắc bệnh xương khớp, nhất là người gia khi trời rét đậm, rét hại. Khi thời tiết thay đổi đột ngột, kéo theo những biến đổi bên trong cơ thể góp phần làm xuất hiện các cơn đau khớp đồng thời các khớp cũng trở nên khô cứng, đau mỏi, khó cử động.
Để phòng bệnh, các bệnh nhân bị gout hoặc mắc các bệnh xương khớp nên duy trì chế độ luyện tập trong nhà, giữ ấm cơ thể. Buổi tối, người bệnh có thể ngâm chân vào nước muối ấm để điều hòa khí huyết, giữ ấm cơ thể.
Nên ăn gì để chống rét: Ăn đủ chất, đủ bữa, tăng cường chất đạm, các gia vị cay, nóng. Nên uống gì: Tránh uống nước lạnh, tăng cường uống nước ấm, trà gừng, trà thảo mộc, nước trái cây. |