Cặp cá voi cách nhau gần 100km lặn cùng nhịp

Hai con cá voi đầu cong ở vùng Bắc Cực đồng bộ hóa những chuyến lặn của mình, cho thấy khả năng liên lạc bằng âm thanh cực kỳ xa.

Tháng 1 - 5 hàng năm, cá voi tấm sừng hàm kéo đến Qeqertarsuaq Tunua, một vịnh lớn trên bờ biển phía tây Greenland, để thưởng thức bữa tiệc sinh vật phù du. Năm 2010, hai con cá voi đầu cong (Balaena mysticetus) thuộc nhóm cá voi tấm sừng hàm tiến vào vịnh để kiếm ăn. Khi ở cách nhau khoảng 96 km, một điều phi thường xảy ra: Chúng bắt đầu đồng bộ hóa những chuyến lặn của mình.


Cá voi đầu cong có thể đồng bộ những chuyến lặn khi ở trong phạm vi liên lạc của nhau. (Ảnh: Vicki Beaver/Alaska Fisheries Science Center/NOAA Fisheries)

Trong nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Physical Review Research, nhóm tác giả cho rằng cặp cá voi này dù không thể nhìn thấy nhau, chúng vẫn nghe được âm thanh của đối phương. Quan sát này cung cấp bằng chứng tiềm năng cho một giả thuyết đã tồn tại 53 năm, Smithsonian hôm 5/10 đưa tin.

Cá voi tấm sừng hàm thường được cho là sống đơn độc. Tuy nhiên, một số nhà khoa học tin rằng chúng di chuyển theo những đàn phân tán, giao tiếp qua khoảng cách hàng trăm km. Nhà sinh học Roger Payne và nhà hải dương học Douglas Webb lần đầu tiên nêu ý tưởng về giả thuyết bầy đàn âm thanh vào năm 1971.

Theo Evgeny Podolskiy, nhà khoa học môi trường tại Đại học Hokkaido, Nhật Bản, tác giả chính của nghiên cứu mới, hành vi lặn của cá voi đầu cong thoạt nhìn có vẻ khá hỗn loạn và khó đoán. Chúng thực hiện những chuyến lặn kéo dài hàng giờ sau đó dừng lại mà không rõ lý do.

Podolskiy cùng đồng nghiệp muốn tìm ra trật tự từ những điều trông có vẻ ngẫu nhiên này. Sử dụng các thẻ theo dõi vệ tinh, nhóm nghiên cứu thu thập dữ liệu về độ sâu và vị trí lặn từ 12 con cá voi đầu cong ở Bắc Cực trong 144 ngày. Sau đó, họ áp dụng các thuật toán phức tạp dựa trên lý thuyết hỗn loạn. Trong quá trình tính toán, các dạng mẫu bắt đầu xuất hiện.

Thứ nhất, nhóm nghiên cứu nhận thấy những chuyến lặn của cá voi có xu hướng theo chu kỳ 24 giờ, nông hơn vào buổi sáng và sâu hơn vào buổi chiều. Điều này phù hợp với hiện tượng Di cư theo chiều dọc hàng ngày (DVM) - hành trình từ bề mặt đại dương xuống biển sâu và ngược lại của sinh vật phù du và những sinh vật nhỏ khác. Họ cũng phát hiện rằng cá voi thực hiện những chuyến lặn sâu nhất vào mùa xuân, khi DVM diễn ra mạnh mẽ nhất ở Bắc Cực.

Tuy nhiên, điều khiến Podolskiy ngạc nhiên là dạng mẫu thứ hai: Những chuyến lặn đồng bộ của cặp cá voi đầu cong ở vịnh Qeqertarsuaq Tunua. Nhóm nghiên cứu chưa rõ mối quan hệ của chúng, nhưng chúng đã đồng bộ các chuyến lặn suốt 7 ngày, khi ở cách nhau trong vòng 96 km. Theo tính toán của nhóm, đó là phạm vi âm thanh tối đa với cá voi trong khu vực. "Đây là hành vi vô cùng kỳ lạ dưới nước. Nó rất thú vị", Podolskiy nói.

Podolskiy cũng bổ sung rằng có thể sự đồng bộ này chỉ là trùng hợp. Có khả năng các điều kiện đại dương đã thôi thúc cá voi lặn đồng thời ở những vị trí khác nhau. Tuy nhiên, hành vi lặn đồng bộ diễn ra liên tục nhiều ngày nên khả năng đó rất khó xảy ra xét về mặt thống kê. "Hiện tại chúng tôi tin rằng nó liên quan đến việc giao tiếp", ông nói.

Cập nhật: 08/10/2024 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video