Cát bụi bay vào mắt sẽ đi về đâu khi chúng ta chớp mắt?

Đôi khi có mấy hạt cát bụi nho nhỏ bay vào mắt chúng ta, thường thì chỉ cầm chớp chớp vài cái là nó sẽ biến mất như chưa từng tồn tại. Vậy thì bạn có thắc mắc là chúng đã đi đâu không? Bật mí thêm một xíu là con đường mà bụi đi qua cũng chính là lý do khiến chúng ta bị sổ mũi khi khóc cũng như vô tình nếm được vị của thuốc nhỏ mắt luôn đấy. Nếu thấy tò mò thì mời các bạn đọc bài viết để cùng mình tìm hiểu nhé.

Nếu cát bụi không theo nước mắt rơi ra ngoài, nó sẽ theo đường thoát nước mắt đi vào khoang mũi

Cho bạn nào chưa biết thì ở khóe của mỗi con mắt của chúng ta có 2 lỗ lệ, thông với 2 đường ống dẫn nước mắt (lệ quản). 2 đường ống này thông đến một đường ống lớn hơn (túi lệ và ống lệ mũi) và đường ống này nối với khu vực khoang mũi. Đây chính là con đường mà nước mắt được tiết ra từ tuyến lệ sau khi đi qua mắt (để giữ ẩm, bôi trơn cho mắt) sẽ đi vào.

Mắt là một khu vực rất nhạy cảm nên chỉ cần có một hạt cát nhỏ xíu bay vào thôi là chúng ta đã thấy cộm, xốn mắt mắt rồi. Lúc này thì theo như phản xạ tự nhiên, chúng ta sẽ chớp mắt liên tục, đồng thời tuyến lệ cũng được kích thích tiết nhiều nước mắt để rửa trôi hạt cát đi.

Mí mắt của con người có cấu tạo sao cho khi chớp mắt, nó sẽ lùa cả nước mắt lẫn cát bụi đi về hướng khóe mắt, vào 2 lỗ lệ, nếu như cát bụi không bị nước mắt cuốn ra ngoài thì nó cũng sẽ bị nước mắt cuốn vào các lỗ lệ. Sau khi đi vào lệ quản, cát bụi sẽ đi đến túi lệ rồi theo ống lệ mũi và đi vào khoang mũi.

*Trong hầu hết các trường hợp thì mắt bạn có thể giải quyết được những hạt cát bụi đó bằng cách tống nó ra ngoài theo nước mắt hoặc lùa nó vào lỗ lệ thông xuống mũi. Tuy nhiên trong một số trường hợp chúng bị kẹt trong mắt (gây đau, cộm mắt, xước võng mạc…) hoặc kẹt trong đường dẫn nước mắt (gây tắc đường dẫn nước mắt, chảy nước mắt, đỏ mắt, sụp mí mắt, làm mủ…) thì bạn phải đi tìm bác sĩ ngay để được xử lý và điều trị nhé.

Từ khoang mũi, cát bụi sẽ theo nước mũi, gỉ mũi ra ngoài hoặc… trôi xuống cổ họng bạn luôn

Mấy hạt cát bụi lọt vào mắt nếu không bị nước mắt rửa trôi ra ngoài thì nó sẽ trôi xuống khoang mũi. Ở tại đây thì nước mắt sẽ bay hơi hoặc được hấp thụ lại vào cơ thể, còn cát bụi thì có thể theo nước mũi và gỉ mũi thải ra ngoài. Hoặc nó cũng có thể cùng với dịch nhầy ở mũi trôi xuống vùng hầu họng của bạn.

Lúc này nếu bạn khạc đờm ra thì cát bụi sẽ đi ra theo. Còn không thì nó trôi xuống cổ họng bạn luôn. Mình biết nghe đến đây thì mấy bạn sẽ thấy nó hơi ghê nhưng mà cơ thể con người nó là vậy, xin lỗi nếu thông tin này làm mấy bạn thấy khó chịu nhé. Nhưng mà mấy bạn cũng đừng lo lắng, vì từ khi được sinh ra thì mỗi ngày cơ thể của chúng xử lý vô số các hạt cát bụi như thế chứ không phải chỉ một hai hạt đâu, nuốt cũng chẳng có sao cả.

Đường dẫn nước mắt là nguyên nhân chúng ta sổ mũi khi khóc và vô tình nếm được vị của thuốc nhỏ mắt

Thường thì khóc luôn đi kèm với sổ mũi. Nguyên nhân là do đường dẫn nước mắt thông với mũi. Khi chúng ta khóc thì một lượng nước mắt lớn sẽ theo đường này đi xuống khoang mũi, hòa với dịch mũi và gây ra hiện tượng sổ mũi. Đây cũng là nguyên nhân mà đôi khi bạn cũng vô tình nếm được vị của thuốc nhỏ mắt. Thuốc nhỏ mắt sẽ từ mắt xuống khoang mũi rồi từ khoang mũi xuống vùng hầu họng, khiến chúng ta nếm được vị the, vị đắng vị ngọt… của thuốc dù có muốn hay không.

Quay lại câu hỏi của tiêu đề bài viết thì chúng ta có câu trả lời như sau: Một hạt cát, bụi sau khi rơi vào mắt, nếu không bị nước mắt cuốn trôi ra ngoài thì nó sẽ theo đường dẫn nước mắt đi xuống khoang mũi. Nếu tại khoang mũi, nó không theo nước mũi, gỉ mũi đi ra ngoài thì nó sẽ trôi tiếp xuống vùng hầu họng. Nếu tại hầu họng, nếu nó không bị bạn khạc ra theo đờm thì nó sẽ trôi xuống cổ họng bạn luôn.

Trên đây là bài viết về “số phận” của những hạt bụi sau khi bay vào mắt người. Hy vọng đã mang đến cho các bạn những thông tin lý thú. Cảm ơn các bạn vì đã đọc nhé!

Cập nhật: 19/12/2021 GVN 360
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video