Dù bị một phen hết hồn, nhưng người đàn ông ở Siberia đã có một khám phá để đời khi chiếc đầu lâu dẫn đến cơ thể gần như đầy đủ xương, thậm chí còn có cả thịt mềm, lông và phân của một con ma mút lông xoăn đã tuyệt chủng.
Tiến sĩ Pavel Kosintsev từ Viện Sinh thái Động thực vật Chi nhánh Urals (Nga), một trong các nhà cổ sinh vật học tiếp nhận hiện trường, cho biết phát hiện tình cờ này một phần do mực nước xuống thấp của hồ Pechenelava-To.
Hài cốt hóa thạch ấn tượng của "quái thú" kỷ băng hà - (ảnh: The Shemanovsky Museum-Exhibition Complex, Salekhard).
Nhóm khoa học gia đã xây dựng một "pháo đài" gỗ xung quanh vị trí được xác định có hài cốt của con vật, sau đó dùng máy bơm bể phối để hút nước trong lòng "pháo đài". Họ thu thập được bộ xương có độ nguyên vẹn lên tới 90%, thậm chí còn có 2 mảnh da lớn, một phần của bộ lông dày như len và cả một mẩu phân nhỏ. Một phần cột sống của con vật thậm chí vẫn còn bảo lưu được dây chằng.
Việc tìm thấy các phần mô, lông và phân của "quái thú" rất có giá trị đối với các nhà cổ sinh vật học, vì có thể giúp tìm kiếm những thông tin mà bản thân bộ xương không thể cung cấp. Ngoài ra, các phần này có thể cung cấp DNA đủ tốt cho tham vọng "tái sinh" ma mút của con người.
Để tôn vinh người chăn tuần lộc phát hiện ra con vật, ông Konstantin "Kostya" Tadibe, hóa thạch được gọi là ma mút Tadibe. "Quái thú" là một con đực, khoảng 15 tuổi và cao khoảng 2-2,5 m khi chết. Ước tính hóa thạch có tuổi đời lên tới 10.000 năm.
Ma mút lông xoăn, còn được gọi là ma mút lãnh nguyên hay ma mút lông cừu là loài ma mút to lớn, có bộ lông dày ấn tượng. Nó là một sinh vật kỷ băng hà đã tuyệt chủng. Họ hàng gần nhất còn sống của loài ma mút này chính là voi châu Á.