Từng bỏ Viện hóa học để đi làm kinh doanh, nhưng niềm đam mê nghiên cứu đã đưa Dương Tuấn Hưng quay trở lại, cùng đồng nghiệp chế tạo thành công thép và các vật liệu xây dựng từ bùn đỏ sau quá trình sản xuất alumin.
Chuyện về chàng tiến sĩ biến bùn đỏ thành thép
Những ngày cuối tháng 8, Dương Tuấn Hưng đang bận rộn với một dự án nghiên cứu mới. Chia sẻ về niềm đam mê nghiên cứu hóa học, chàng trai quê Đông Anh (Hà Nội) bảo đó là cái duyên.
Năm 2004, khi đang theo học năm cuối Khoa hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, Dương Tuấn Hưng may mắn giành học bổng của Quỹ Giáo dục Việt Nam để làm nghiên cứu sinh tại Đại học Tổng hợp Illinois, Mỹ. 5 năm sau, Hưng trở về Việt Nam với tấm bằng tiến sĩ khi mới 27 tuổi, chuyên môn chủ yếu là hóa học phân tích, vật lý chất rắn và công nghệ nano. Tiến sĩ trẻ được nhận vào công tác tại Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
"Do đi học ở Mỹ ngay sau khi rời giảng đường đại học, chưa có trải nghiệm thực tế ở Việt Nam, nên trở lại là quãng thời gian khó khăn với tôi. Điều kiện cơ sở vật chất cũng như môi trường xung quanh khiến tôi khá thất vọng. Năm 2011, tôi rời Viện để nhận vị trí trợ lý tổng giám đốc một công ty kinh doanh thiết bị công nghệ xây dựng ở TP HCM", Hưng kể lại.
Mặc dù có thu nhập cao nhưng Hưng luôn băn khoăn, tự thấy mình không hợp với công việc kinh doanh và nghĩ nhiều về chặng đường học tập trước đó. Trong lúc sống xa gia đình và mang nhiều tâm tư, Hưng gặp lại tiến sĩ Vũ Đức Lợi, Viện phó Hóa học. Ông Lợi trao đổi với Hưng về đề tài ông cùng đồng nghiệp đang nghiên cứu công nghệ xử lý bùn thải, bùn đỏ để chế biến thép và các vật liệu xây dựng.
Tiến sĩ trẻ Dương Tuấn Hưng, ngoài cùng bên phải, cùng đồng nghiệp tại Nhà máy alumin Lâm Đồng. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
"Tôi thấy rất hứng thú với chủ đề này, lượng lớn bùn đỏ thải ra do sản xuất alumin đe dọa tới môi trường là nguy cơ rất lớn. Tôi muốn trở lại làm nghiên cứu nên đã quyết định quay về Viện Hóa năm 2012", Hưng hào hứng nói.
Với kinh phí 13,5 tỷ đồng, nhóm thực hiện đề tài "Nghiên cứu công nghệ sản xuất thép và vật liệu xây dựng không nung từ nguồn thải bùn đỏ trong quy trình sản xuất alumin tại Tây Nguyên" đã hoàn thành dự án sớm hơn dự kiến một nửa thời gian, vào tháng 6/2014.
Từ nguồn nguyên liệu bùn đỏ do Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam cung cấp, nhóm nghiên cứu đã cùng với Nhà máy thép Thái Hưng thuộc Công ty cổ phần BCH (Hải Dương) sản xuất thử nghiệm thành công trên quy mô công nghiệp một số sản phẩm. Đó là thép mác CT5 (hơn 60 tấn so với kế hoạch ban đầu 30 tấn), sắt xốp (20 tấn), tinh quặng sắt (hơn 100 tấn, đã sử dụng 90 tấn để sản xuất sắt xốp), gạch không nung (3.000 viên, cao hơn dự kiến là 1.000 viên).
Tháng 12/2014, nhóm nghiên cứu đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, cấp bằng Độc quyền sáng chế. Sau khi hoàn thành nghiên cứu, nhóm đã chuyển giao cho Công ty BCH lập dự án khả thi để sản xuất trên quy mô lớn.
Tham gia dự án ở tất cả công đoạn, từ khâu viết báo cáo cho tới nghiên cứu thành phần và công nghệ, Hưng chia sẻ dự án đã đạt được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu vẫn chưa hoàn toàn hài lòng về hiệu suất của công đoạn sản xuất và cần xem xét thêm để giảm thiểu chi phí.
Thời điểm này Hưng thực hiện dự án: "Nghiên cứu chế tạo hệ thiết bị phân tích vết thủy ngân phục vụ quan trắc môi trường và kiểm soát thực phẩm". Theo Hưng, thủy ngân là chất có độc tính cao dù với hàm lượng nhỏ, thực trạng ô nhiễm kim loại nặng hiện nay sẽ ảnh hưởng tới môi trường và chuỗi thức ăn, tác động xấu tới sức khỏe con người. Do đó Hưng mong chế tạo được thiết bị nhỏ gọn, giúp phát hiện chính xác thủy ngân. Việt Nam đang có hệ thiết bị tiếp thu từ Nhật Bản nhưng không có phần tự động hóa và khá cồng kềnh với chi phí cao.
Nói về công việc hiện nay tại Viện Hóa học, Hưng cho biết đã có thêm nhiều đồng nghiệp là những người được đào tạo bài bản từ các nước như Mỹ, Nhật Bản và châu Âu. Bên cạnh đó ban lãnh đạo Viện cũng tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ phát huy sở trường. "Trở về Việt Nam sau khi học xong với tôi là điều đúng đắn. Tôi được thử nghiệm nhiều điều mới và cảm thấy những đóng góp của mình có giá trị cho đất nước. Bên cạnh đó, tôi cũng có điều kiện để thực hiện nhiều hoạt động có ý nghĩa khác", Hưng nói.
Dương Tuấn Hưng, thứ ba từ trái sang, cùng bạn bè trong nhóm tình nguyện Cùng hành động bên chiếc xích đu tại Phìn Ngan. (Ảnh: NVCC)
Do chưa vướng bận chuyện gia đình, còn độc thân nên Hưng dành nhiều thời gian tham gia hoạt động của nhóm từ thiện mang tên "Cùng hành động", quyên góp quỹ để tặng sách, đồ chơi và đồ dùng học tập cho các em nhỏ ở nhiều địa phương, trong đó có xã Phìn Ngan (Bát Xát, Lào Cai).
Khi được hỏi về mức lương hiện tại, Hưng bảo được gần 4 triệu đồng mỗi tháng theo bậc của Nhà nước và thừa nhận "có chút băn khoăn". Với chuyên môn và tấm bằng ở Mỹ, Hưng từng nhận được một số lời mời của các công ty liên doanh với nước ngoài ở Hà Nội và của cả một trường đại học ở TP HCM với mức thu nhập cao hơn nhiều. Tuy nhiên, cậu chỉ tranh thủ làm thêm, còn thời gian chính vẫn dành cho nghiên cứu.
Mặc dù cơ sở hạ tầng ở Viện Hóa học thiếu thốn, nhưng Hưng quan tâm hơn cả là các hoạt động dành cho giới nghiên cứu còn ít. Nếu như thời còn học ở trường Illinois, các hội thảo ở quy mô trường, khu vực và quốc tế diễn ra rất sôi nổi thì hiện tại các sinh hoạt khoa học mỗi năm chỉ có một đến hai. Điều đó khiến những tiến sĩ trẻ như Hưng cảm thấy ít có điều kiện kết nối và trao đổi với những người cùng làm nghiên cứu khoa học.
Nhìn xa hơn, Hưng chia sẻ không rõ định hướng của ngành khoa học Việt Nam là gì, mặc dù Bộ Khoa học và Công nghệ có nhiều dự án và sự kiện. "Việt Nam cần tập trung vào lĩnh vực nào, để đáp ứng nhu cầu gì? Chẳng hạn ngành hóa học của tôi, phát triển để phục vụ mục tiêu gì, phát triển thiên về hóa sinh, hóa học vật liệu hay hóa dầu? Tôi mong rằng phải có quy hoạch cụ thể hơn", Hưng nói.