Chào hàng chất xám

Không chỉ miệt mài với phòng thí nghiệm và sách vở, tại TP.HCM, một số nhà khoa học đã  không ngại xông pha đi “chào hàng chất xám”...

“Viện khoa học ôsin”

Viện khoa học ôsin” là cách nói vui của tiến sĩ (TS) Nguyễn Bách Phúc giới thiệu về Viện điện - điện tử - tin học tư nhân do ông và một số nhà khoa học lập ra. “Gọi là ôsin làm khoa học vì hễ cứ ai cần thuê chất xám thì chúng tôi sẽ đáp ứng” - TS Phúc cười nói.

Khi bắt đầu công việc “chào hàng chất xám” của mình, TS Phúc viết thư ngỏ giới thiệu về viện đến các công ty, thậm chí đến tận nơi sản xuất của doanh nghiệp để tìm hiểu thực tế và tư vấn, từ chuyện nhỏ như cải tiến một thiết bị cho đến các đề án có qui mô về tiết kiệm năng lượng. Trong những ngày cuối năm, các nhà khoa học thuộc Viện Điện - điện tử - tin học vẫn hì hục bên “bãi chiến trường” của xưởng đầu máy và toa xe lửa Dĩ An, Bình Dương. Ở đây họ làm công việc cải tạo hệ thống môtơ điều khiển cổ lỗ sĩ có từ thời Pháp thuộc. Đó là những chiếc môtơ có nhiệm vụ điều khiển nâng cần trục và bánh lái nhưng do... tuổi già, đang lâm trọng bệnh.

Từ nhiều tháng trước, Công ty xe lửa Dĩ An đã mời các chuyên gia nước ngoài đến xem xét và câu trả lời nhận được là nên thay mới toàn bộ hệ thống cần trục với giá 1,6 tỉ đồng. Sau khi tham quan hệ thống, TS Nguyễn Bách Phúc xin lãnh sửa với phần giá thiết kế kỹ thuật chỉ hơn 200 triệu đồng. Hợp đồng được ký và đi kèm với cam kết: nếu việc cải tiến không hoàn thành thì phải bồi thường! “Khi có ràng buộc pháp lý thì không chỉ làm cho có để báo cáo” - TS Phúc nói.


TS Nguyễn Bách Phúc bên chiếc môtơ một chiều có từ thời Pháp thuộc.
Ông sẽ thay nó bằng một môtơ xoay chiều có giá thành rẻ (Ảnh: Thu Thảo)

Thế là một kế hoạch đánh giá, khảo sát, cải tiến công nghệ được đặt ra khẩn trương. “Phân xưởng chỉ ngưng làm việc một tuần, trong thời gian này chúng tôi phải kịp thay ba môtơ điện một chiều bằng ba môtơ điện xoay chiều. Đồng thời lắp đặt bộ biến tần với panel lập trình để điều khiển tốc độ, hoặc quá tải thì có thể tự thắng và thay vôlăng điều khiển chỉ bằng một chiếc cần gạt”.

Có sản phẩm thực tế thì sẽ có đầu ra!

TS Vũ Văn Tiễu, nguyên giám đốc Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga (chi nhánh phía Nam), sau nhiều năm lăn lộn với thực tế để tìm thị trường cho những sản phẩm nghiên cứu của mình, chiêm nghiệm: sản phẩm, đề tài nghiên cứu muốn đi vào cuộc sống thì phải tìm được đầu ra. Tuy nhiên để đưa được sản phẩm ra thực tế, TS Tiễu và các cộng sự cũng long đong. Liên tục nhiều năm, ông dành thời gian, công sức để nghiên cứu và hoàn thiện công nghệ chế tạo tủ cấy vô trùng (đảm bảo độ vô khuẩn) và tủ hút vô trùng (hút các vi trùng nguy hiểm).

Mặc dù đề tài của ông được các hội đồng nghiệm thu đánh giá cao, thế nhưng tìm mãi vẫn không có đơn vị nào chịu mua. Năm 1998, nghe tin một đơn vị sản xuất thuốc ở An Giang có sử dụng loại tủ này nhưng đang bị trục trặc, TS Tiễu chủ động xin gặp ban giám đốc và đề nghị sử dụng tủ của nhóm nghiên cứu với lời hứa: nếu dùng không tốt thì trả lại và không tốn phí. Đang trong giai đoạn bức bách của sản xuất, giám đốc đơn vị này đồng ý.

Chỉ sau một tuần sử dụng thiết bị, công ty này gọi điện và yêu cầu cung cấp ngay một lúc bảy tủ. Lần này thì chính họ nói rất tha thiết: công ty chuẩn bị chứng nhận GMP (thực hành sản xuất tốt), nếu không kịp cấp tủ trong mười ngày tới, họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bấm bụng nhận lời nhưng TS Tiễu vẫn lo ngay ngáy: “Chúng tôi làm việc một cách cật lực, nhiều đêm phải thức trắng để kịp tiến độ”. Sau đó, công ty này đã vượt được vòng kiểm tra GMP và trở thành khách hàng của đơn vị.

TS Phạm Hùng Vân, cố vấn của Công ty Nam Khoa, cũng bắt đầu từ việc nghiên cứu, tự chế những món đồ dùng nhỏ trong phòng thí nghiệm để phục vụ việc giảng dạy như đĩa giấy tẩm kháng sinh để làm kháng sinh đồ, bộ định danh vi sinh môi trường hộp thạch, bộ thử nghiệm vi sinh để tìm nhanh vi sinh vật gây bệnh... Thấy tiện dụng, nhiều đồng nghiệp ở các phòng thí nghiệm thuộc viện, trường ĐH hỏi thăm và đặt mua.

TS Hùng Vân cho biết các nhà khoa học làm việc tại công ty phải luôn bám sát các nhu cầu cuộc sống để nghiên cứu. “Chỉ bắt đầu từ cuộc sống thì sản phẩm khoa học mới ứng dụng được và thật sự sống” - ông nói.

THU THẢO

Theo Tuổi trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video