Doanh số tiêu thụ của smartphone và điện thoại di động cao cấp tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã vọt lên một đỉnh cao chưa từng có, hãng nghiên cứu Canalys tuyên bố.
Riêng trong quý I/2007 đã có hơn 10,7 triệu thiết bị di động "thông minh" được bán hết veo tại khu vực này, với 10,1 triệu trong số đó là smartphone. Như vậy là so với cùng kỳ năm ngoái, lượng sản phẩm xuất xưởng đã tăng tới hơn 40% - một tỷ lệ cũng được coi là kỷ lục nốt.
Nokia, hãng điện thoại số một thế giới, tiếp tục thống trị thị trường với 46% thị phần. Các đối thủ còn lại của Nokia, không hãng nào chiếm quá 15% thị phần, kể cả Motorola là hãng điện thoại di động lớn nhất nước Mỹ.
"Thành công của Nokia chủ yếu là nhờ họ máy N-series, vận hành trên nền hệ điều hành Symbian S60", Canalys phân tích. Trong khi ấy, các hãng đối thủ đều chưa xây dựng được một họ smartphone "đinh" nên chưa thể bật được lên khỏi mặt bằng chung.
Nguồn: BusinessWeek |
Cụ thể, thị phần tiêu thụ của toàn bộ các hãng nhỏ không góp mặt trong Top 5 đã giảm từ 24,5% trong quý I/2006 xuống còn vẻn vẹn 20,9% trong năm nay.
Nếu so với Mỹ và khu vực châu Âu thì các model smartphone mang tính cao cấp, "pro" của châu Á - Thái Bình Dương tương đối hiếm và bán không chạy. Nhưng vì dân số tại khu vực này rất đông nên đây vẫn là thị trường tiêu thụ smartphone lớn nhất thế giới.
Trong 3 tháng đầu năm 2007, châu Á - Thái Bình Dương chiếm khoảng 46% tổng doanh số xuất xưởng (23,2 triệu máy) của cả thế giới.
Tuy nhiên, Canalys cũng cảnh báo rằng tốc độ tăng trưởng của thị trường smartphone châu Á có thể sẽ chậm lại trong thời gian tới.
So với cùng kỳ năm trước, lượng smartphone bán được vẫn tăng hơn 40%, tức là cao hơn mức trung bình của thế giới. Tuy nhiên, nếu so với tốc độ kỷ lục 84% của quý IV năm ngoái thì 40% quả là một "chú lùn" khiêm tốn.
Trọng Cầm