Dù chỉ chiếm 3% số lượng người thắng giải, họ đã có những đóng góp to lớn trong lĩnh vực khoa học cũng như chăm sóc sức khỏe con người.
Kể từ khi được lập vào năm 1901 đến nay, giải Nobel - một biểu tượng toàn cầu về trí thông minh, mới chỉ có 17 phụ nữ đoạt giải trong các lĩnh vực khoa học. Con số này chỉ chiếm 3% số lượng người thắng giải, vì sao thế?
Ông Christophe André, chuyên gia tâm thần học ở bệnh viện Sainte-Anne, thuộc thủ đô Paris của Pháp chia sẻ những quan điểm của mình về vấn đề này trên trang Scientific American.
Bà Marie Curie là người phụ nữ đầu tiên đoạt giải Nobel (năm 1903), cũng là người duy nhất đã đạt 2 giải Nobel ở 2 lĩnh vực khác nhau - (Ảnh: Getty Images).
Do định kiến xã hội
Theo Christophe André, tối thiểu có 3 lý do. Đầu tiên là trở ngại về những sự phân biệt chủ quan nhưng khá phổ biến trong xã hội từ xa xưa khi luôn xếp phụ nữ ở hạng 2 sau nam giới và thường ngăn cản họ đến với khoa học.
Ở các nước phương Tây, điều này ngày nay ít nhiều đã chấm dứt, tuy nhiên di chứng mà nó để lại vẫn còn như một điều tự nhiên.
Mặc dù các bé gái ngày càng có nhiều cơ hội tiếp cận thế giới khoa học, tuy nhiên vẫn còn phải mất một vài thế hệ nữa trước khi chúng có thể vươn tới những tỉ lệ cao hơn ngang bằng với nam giới trong lĩnh vực khoa học hay chính trị.
Thứ hai là khuôn mẫu định kiến về người phụ nữ trong mắt nam giới, điều mà không nơi nào trên thế giới có thể biến mất hoàn toàn. Một cuộc khảo sát vào năm 2015 cho rằng 67% nam giới tin rằng phụ nữ chưa đủ thông minh để trở thành những nhà khoa học hàng đầu.
Huy chương của giải Nobel - (Ảnh: AFP).
Đồng thời nguyên nhân cũng xuất phát một phần từ định hướng của cha mẹ và thầy cô khuyên các em gái không nên theo lĩnh vực này.
Tuy nhiên, điều lo ngại nhất chính là trở ngại thứ ba và là rào cản ngầm: tư tưởng chủ quan của phụ nữ về vai trò của chính mình, dẫn tới việc hầu hết trong số họ tự giới hạn bản thân và tự rút lui khỏi các lĩnh vực như khoa học hay chính trị.
Hiện tượng này, gọi là "mối đe dọa rập khuôn" (stereotype threat), rất phổ biến trong xã hội. Các nhà nghiên cứu Mỹ đã chứng minh điều này vào năm 1995 liên quan đến vấn đề của người Mỹ gốc Phi.
Cụ thể, khi được giao những nhiệm vụ đòi hỏi trí thông minh để giải quyết, những người Mỹ gốc Phi hoàn thành tốt như những người da trắng ngoại trừ khi họ được đưa vào một nhóm gồm cả người da đen lẫn người da trắng và được cho biết trước rằng mình sẽ tham gia một bài kiểm tra thông minh.
Thông báo tưởng chừng vô hại đó đã gợi lên những hình ảnh về phân biệt chủng tộc trong người da đen khi họ nhìn chung được đầu tư ít hơn về mặt trí óc so với người da trắng. Do bị ám ảnh bởi tư tưởng này, một số lượng đáng kể người da đen thực hiện không tốt bài kiểm tra.
Các nhà khoa học cho rằng hiện tượng tương tự cũng xảy ra với các bé gái về kỹ năng tính toán hay kỹ thuật khi so với các bé trai.
Bà Maria Goeppert-Mayer (Mỹ) đoạt Nobel vật lý năm 1963.
Hiện tượng này khá phổ biến, dù những định kiến có phần cay nghiệt này thường bị xã hội hiểu sai dẫn đến sai lầm trong đánh giá nữ giới. Ví dụ, từ sự thật rằng "có ít nhà khoa học nữ", nhiều người lại tin rằng phụ nữ không giỏi trong khoa học bằng đàn ông.
Một ví dụ khác, nếu dựa vào kích thước cơ thể, kích thước não của phụ nữ nhỏ hơn đàn ông (1.130cm3 ở phụ nữ so với 1.260cm3 so với đàn ông) và điều này thường được dùng để so sánh về độ thông minh giữa 2 giới.
Tuy nhiên, về mặt khoa học, không thể kết luận gì về việc này, bởi vì chúng ta đều biết rằng não lớn hay nhỏ không thực sự ảnh hưởng đến tính hiệu quả. Điển hình như Einstein chỉ có não kích thước bình thường.
Loại bỏ sự rập khuôn để theo đuổi đam mê
Bà Ada E. Yonath (Israel) nhận giải Nobel hóa học năm 2009 - (Ảnh: Zimbio).
Ở Mỹ vào những năm 1970, các bé trai và bé gái trong trường tiểu học cùng thể hiện trình độ toán như nhau. Sau đó, bắt đầu vào năm 12 tuổi, các bé trai có xu hướng làm tốt hơn.
30 năm sau, theo sau những cuộc vận động tự do nữ quyền và kêu gọi cho sự bình đẳng, một nghiên cứu mới đã được tiến hành trên 7 triệu học sinh cho thấy sự khác biệt về giới tính gần như đã giảm thiểu trong môn học này.
Đồng thời, nhiều nghiên cứu khác cũng cho thấy mức độ cân bằng giữa nam giới và giới nữ đã tăng lên, điển hình nhất là thành tích Toán học của cả 2 giới dần có thể cạnh tranh với nhau hơn.
Ngoài ra, ngày nay, những học sinh nữ tài ba không còn e ngại những khóa học cao cấp nữa, mặc dù nhiều trong số họ chọn khoa học ứng dụng như y khoa hay sinh học nhiều hơn là những hướng đi có phần trừu tượng khác như toán hay lý.
Bà May-Britt Moser (Na Uy) nhận giải Nobel Y học năm 2014 - (Ảnh: ntnu.edu).
Những quan niệm xưa về sự thông minh hơn của nam giới đang được loại bỏ và tranh đấu với tần suất cao hơn cho thấy một điều chúng ta đang đi đúng đường phát triển. Tuy nhiên, phụ nữ cần nhận ra tính mặc cảm vốn có của họ về "nỗi sợ rập khuôn" và loại bỏ chúng để theo đuổi đam mê.
Phụ nữ đam mê khoa học có thể lấy động lực từ các nhà khoa học nữ đã đoạt giải Nobel, đặc biệt là Marie Curie (người Pháp gốc Ba Lan): người duy nhất đã giành 2 giải Nobel ở 2 lĩnh vực khác nhau (một về Vật lý năm 1903, một về Hóa học năm 1911).
Gần 2.500 năm trước, nhà nữ toán học và triết học người Ai Cập Hypatia bị sát hại theo lệnh vị giám mục của Alexandria. Theo giám mục này, Hypatia có quá nhiều điều không thể chấp nhận được trong xã hội đương thời: là nhà khoa học nữ thông minh và không theo Cơ đốc giáo.
Tuy nhiên đây không phải là trường hợp duy nhất. Trong nhiều xã hội từ thời xa xưa, người ta coi trọng đàn ông hơn và đã làm nhiều cách để ngăn phụ nữ có thể tiếp cận kiến thức và quyền lực.
Điều này chỉ giảm bớt vào thời kì Phục Hưng, khi phụ nữ dần được cho phép, sau đó là được khuyến khích để theo đuổi việc học như đàn ông. Tuy nhiên chặng đường khi ấy còn khá dài và cho đến ngày nay dường như vẫn còn khá gian nan.
Danh sách các nhà khoa học nữ từng đoạt giải Nobel:
|