Chiếc ổ khóa chống trộm, chuyên gia mất 16 ngày để cạy

Khóa Bramah là một biểu tượng cho sự bảo mật tuyệt vời và được tuyên bố là không bị trộm cắp ngay cả khi đã bị mở ra.


Joseph Bramah và chiếc khóa thách đố với dòng chữ "nghệ nhân nào có thể chế tạo dụng cụ mở hoặc cạy được chiếc khóa này sẽ ngay lập tức nhận được phần thưởng 200 Guinea. Phải sau 61 năm mới được cạy thành công. (Ảnh: Wikipedia Commons).

Bramah bắt đầu hứng thú tìm hiểu về khóa từ năm 1783, khi ông được bầu làm thành viên của một tổ chức mới thành lập: Hiệp hội Hoàng gia về Xúc tiến Nghệ thuật, Sản xuất và Thương mại. [...] Dễ hiểu khi Bramah chọn tham dự phần lớn các cuộc họp của nhánh Cơ khí và không lâu sau khi gia nhập thì nổi như cồn chỉ với một thành tựu đơn giản: cạy một cái khóa.

Thật ra, nó không đơn giản lắm: tháng 9 năm 1783, một quý ông Marshall nào đó đã đệ trình một ổ khóa mà ông ta tuyên bố là không thể cạy được, và một chuyên gia địa phương tên là Truelove đã lọ mọ với cái khóa cùng một giỏ dụng cụ đặc biệt trong vòng một tiếng rưỡi trước khi đầu hàng. Sau đó, từ cuối hàng ghế khán giả, Joseph Bramah bước lên, nhanh chóng lấy ra hai dụng cụ rồi mở khóa chỉ trong 15 phút. Cả khán phòng xôn xao: trước mặt họ rõ ràng là một thợ cơ khí hàng đầu.

Công chúng Anh thời đó bị ám ảnh với khóa. Một hệ quả không mong muốn của những thay đổi về xã hội và pháp lý tràn qua nước Anh cuối thế kỷ XVIII là sự phân chia xã hội khá sâu sắc: nếu tầng lớp quý tộc trong hàng thế kỷ qua đã trú ngụ trong những ngôi nhà nguy nga, được bảo vệ đằng sau những bức tường thành, thượng uyển và hào bao quanh, dưới sự coi sóc của gia nhân, thì tầng lớp kinh doanh thời đại mới lại sống trong những căn nhà dễ dàng bị dân nghèo xâm nhập.

Họ và tài sản của họ nhìn chung vừa dễ thấy vừa dễ tiếp cận, đặc biệt là ở các thành phố phát triển nhanh; họ chủ yếu sống trong những căn nhà và những con phố nằm trong tầm ngắm của một lượng lớn dân nghèo. Ở đâu họ cũng bị ganh ghét. Cướp bóc diễn ra liên miên. Nỗi sợ bao trùm bầu không khí. Cửa lớn cửa nhỏ đều phải khóa. Khóa phải được sản xuất và phải tốt.

Một ổ khóa như của ngài Marshall, cạy được trong vòng 15 phút bởi một người có tay nghề, và biết chừng chỉ trong vòng 10 phút bởi một kẻ đói bụng liều lĩnh, rõ ràng là không đủ tốt. Joseph Bramah đã quyết định thiết kế và làm ra một cái khóa tốt hơn. Ông đã thành công vào năm 1784, chưa đầy một năm sau khi cạy được khóa của Marshall. Với phát minh này, thì một tên trộm cũng phải đầu hàng, dù có dùng phôi chìa bọc sáp, thứ dụng cụ được các tội phạm hết sức chuộng dùng để đoán định vị trí đòn và lẫy bên trong ổ khóa.

Trong thiết kế của Bramah, đăng ký bằng sáng chế vào tháng 8, các lẫy bên trong ổ khóa sẽ nâng lên và hạ xuống tới những vị trí mới khi chìa khóa được cắm và xoay để nhả chốt, sau đó quay trở lại vị trí ban đầu khi chốt đã được cài. Kết quả là ổ khóa gần như miễn nhiễm với trộm cắp, và dù một tên trộm có loay hoay với phôi chìa sáp ra sao cũng không tài nào xác định được vị trí của các lẫy (vì chúng đã thay đổi) để nhả chốt.

Sau khi xác định được thiết kế cơ bản, Bramah hết sức khéo léo và tài tình chế tạo một ổ khóa hoàn chỉnh hình trụ, các lẫy không nâng lên và hạ xuống theo lực hấp dẫn mà di chuyển ra vào dọc theo bán kính của trục khóa, tuân theo răng chìa, sau đó quay trở lại vị trí ban đầu nhờ lò xo, mỗi lẫy một lò xo. Bằng cách này, cả ổ khóa có thể thu lại thành một ống trục nhỏ bằng đồng, dễ dàng gắn vào một hốc hình ống trên một cánh cửa gỗ hoặc két sắt, và chốt khóa sẽ nằm phẳng với mép ngoài của cánh cửa (khi khóa mở) hoặc đi vào hốc đồng trên khung cửa (khi khóa đóng).


“Khóa thách đố” của Joseph Bramah được trưng bày lần đầu tiên trong một ô cửa sổ ở Piccadilly, London.

[...] Nhờ có khóa mà cái tên Bramah mới chính thức trở thành một phần trong vốn từ vựng tiếng Anh. Thật vậy, giờ đây sách vở vẫn nhắc tới bút Bramah hay khóa Bramah - Công tước xứ Wellington đã viết những dòng ca ngợi cả hai phát minh này, cũng như Walter Scott và Bernard Shaw.

Nhưng từ Bramah nếu đứng riêng - như cách dùng của Dickens trong các cuốn tiểu thuyết The Pickwick Papers, Sketches by BozThe Uncommercial Traveller - cho thấy ít nhất là với công chúng thời Victoria, tên của ông đồng nghĩa với phát minh của mình: dùng (chìa) Bramah để mở (khóa) Bramah, nhà được bảo vệ bằng (khóa) Bramah, và đưa (chìa) Bramah cho một người bạn thân để họ có thể thoải mái đến thăm không kể giờ giấc. Chỉ khi ngài Chubb và ngài Yale xuất hiện (lần đầu được ghi nhận trong Từ điển Tiếng Anh Oxford lần lượt vào năm 1833 và năm 1869), sự thống trị của cái tên Bramah mới bị lung lay.

[...] Có một người đàn ông đã bẻ được ổ khóa của Joseph Bramah, ổ khóa đã kiên nhẫn chờ đợi ở cửa sổ phòng trưng bày của hãng tại số 124 Piccadilly từ năm 1790. Người này cũng tham gia trưng bày tại Đại Triển Lãm, vốn là một thợ khóa, đối thủ cạnh tranh của Bramah và mang quốc tịch Mỹ. Ông đã vượt Đại Tây Dương với chủ ý bẻ tất cả các ổ khóa “không thể cạy” mà các kỹ sư Anh có thể trưng ra trước ông.

Ông là Alfred C. Hobbs, sinh ra tại Boston vào năm 1812, là con của một cặp vợ chồng người Anh. Điều đó có liên quan đến khát khao cháy bỏng của ông trong việc chứng minh ổ khóa của Mỹ ưu việt hơn hẳn ổ khóa của Anh.

[...] Hobbs đã viết một lá thư trang trọng gửi tới công ty Bramah, đề nghị một cuộc hẹn ở Piccadilly “liên quan tới lời đề nghị viết trên tấm biển treo ở cửa sổ về việc cạy khóa của quý vị”. Joseph Bramah đã qua đời 40 năm trước, có lẽ cho đến lúc lâm chung, vẫn tự tin sẽ không ai vượt qua được thách thức của mình. Quản lý công ty hiện tại là các con trai của Bramah, và họ là người tiếp nhận lá thư của Hobbs - với chút ít lo lắng trước lá thư định mệnh, vì họ đã nghe đến danh tiếng của Hobbs. Họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc ưng thuận, và một hội đồng chuyên gia được lập ra để kiểm định ổ khóa - huyền thoại cơ khí chính xác của nước Anh thế kỷ XVIII - thực sự bị cạy chứ không bị phá.

Và Hobbs đã thành công. Ông mất tổng cộng 51 giờ, trong suốt 16 ngày để nâng yếm khóa và tuyên bố nó đã mở, tức là ông đã cạy được nó. Ông sử dụng một loạt dụng cụ tí hon, thiết kế dành riêng cho mục đích cạy khóa - trong đó có một cái vít pan-me tí hon gắn vào đế gỗ mà Joseph Bramah quá cố đặt ổ khóa. (Nếu ổ khóa đặt trên một đế sắt không thể xuyên qua, dụng cụ này sẽ vô dụng. Nó được vít vào đế gỗ, cho phép Hobbs rảnh tay mày mò bên trong ruột khóa dài 5 cm trong khi thiết bị của ông giữ cho 18 lẫy tí hon bên trong khóa ở trạng thái nhấn xuống).

Ông cũng dùng một hệ kính lúp, trong đó các tia sáng cực nhỏ được phản chiếu bên trong ruột khóa bằng những chiếc gương đặc biệt. Ông còn dùng một thước đo bằng đồng cực nhỏ để xác định mỗi lẫy được nhấn sâu đến đâu, và dùng những móc nhỏ để kéo các lẫy đã bị đè xuống quá sâu. Bên cạnh ông là một khay dụng cụ giống như khay dụng cụ của bác sĩ phẫu thuật, trừ dao mổ, nhằm một mục đích duy nhất: cạy khóa Bramah, qua đó khẳng định sự vượt trội của công nghệ chính xác Mỹ.

Nhà Bramah đã trả tiền thưởng như cam kết, nhưng họ phàn nàn hành động của người Mỹ, với hàng tá dụng cụ và 51 tiếng mày mò, không đúng với tinh thần bất thành văn của thử thách. Chẳng có tên trộm nào lại bỏ ra nhiều thời gian và công sức đến vậy cho một cái khóa cả.

Các trọng tài đồng tình. Họ chỉ ra cách tiếp cận của Hobbs là không công bằng, và - dù biết rõ 200 đồng guinea đã được trao - dõng dạc kết luận: "Hobbs, dù tỉ mỉ đến chân tơ kẽ tóc, đã không làm xấu đi danh tiếng của khóa Bramah; mà ngược lại, sự nỗ lực của ông càng khẳng định, về thực tiễn, ổ khóa này là bất khả xâm phạm".

200 đồng guinea sau đó nằm lung linh đầy kiêu hãnh trong Cung Pha lê nhiều tuần. Alfred Hobbs đắm mình trong chiến thắng, quả quyết những đồng vàng ấy là lời chứng cho thành tựu của ông. Nhưng đó là một chiến thắng ngắn ngủi, và như các trọng tài đã nêu, việc khóa Bramah bị cạy không hề tác động tiêu cực tới tình hình kinh doanh của hãng: người ta chen nhau xếp hàng để mua ổ khóa mà một chuyên gia phải mất tới 16 ngày mới cạy được.

Hãng Bramah hiện vẫn hoạt động ở London và bán khóa ra toàn thế giới, tất cả đều dựa trên nguyên mẫu năm 1797 của Joseph Bramah. Trong khi đó, hãng Day & Newell của New York đã ngừng hoạt động không lâu sau Đại Triển Lãm. Ổ khóa hoán vị parautoptic của hãng sau đó cũng sớm bị cạy, mà còn bị cạy dễ dàng chỉ với một cái que gỗ. Người cạy thành công ổ khóa đó là người thừa kế một hãng khóa chính xác mới, cũng là người sáng lập một công ty hiện thuộc về nhà sản xuất khóa lớn nhất thế giới ngày nay, Linus Yale.

Cập nhật: 03/02/2023 Zing
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video