Gió mạnh và các dòng hải lưu bất thường đã tạo nên một khung cảnh ngoạn mục trên bề mặt nước giữa thềm băng Ronne.
Những tua băng tuyệt đẹp hình thành trên một kênh nước ở thềm băng Ronne. (Ảnh: NASA)
Hình ảnh đáng kinh ngạc này được chụp bởi vệ tinh Landsat 8 vào ngày 20/11 nhưng mới được Trạm quan sát Trái đất của NASA công bố gần đây. Nó cho thấy các tua băng kéo dài trông giống như những sợi dây kết nối hai bờ của kênh nước giữa thềm băng Ronne - phần mở rộng của Dải băng Nam Cực chính, nơi sinh ra tảng băng trôi lớn nhất thế giới A-76 vào tháng 5.
Băng biển được tạo thành từ cả băng lâu năm (màu trắng) và băng năm đầu tiên, hay băng non (màu xám). Loại thứ hai thường nằm gần với thềm băng Ronne hơn rất nhiều, nhưng trong ảnh, gió đã đẩy nó ra xa. Khoảng cách rộng hơn tạo điều kiện cho những tua băng mềm mại hình thành trên kênh nước.
Tua băng về cơ bản là những vệt băng biển mỏng chưa đến 10cm. Nó được tạo ra từ các tinh thể băng nhỏ như kim, còn được gọi là frazil. Thông thường, các frazil sẽ liên kết với nhau để tạo thành những mảng băng hoàn chỉnh bao phủ bề mặt đại dương, nhưng trường hợp này, gió mạnh và các dòng hải lưu kỳ lạ đã ngăn cản quá trình tạo mảng và đẩy chúng sang bờ bên kia của kênh nước, NASA giải thích.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn chưa hiểu rõ tại sao tua băng ở Ronne lại có màu trắng xanh khi nhìn từ vệ tinh. Thông thường, sông băng và băng biển chỉ hiển thị màu sắc này khi chúng trở nên dày đặc đến mức hấp thụ những bước sóng ánh sáng dài và chỉ phản xạ lại màu xanh lam.
"Tôi không chắc bằng cách mà những vệt băng mỏng ở đây lại có màu xanh lam, nhưng có thể chúng đã bị nén đủ lâu để gây ra hiệu ứng đó", chuyên gia Walt Meier tại Trung tâm Dữ liệu Băng và Tuyết Quốc gia Mỹ phỏng đoán.
Meier cho biết thêm, hiện tượng tuyệt đẹp này có thể trở nên phổ biến hơn trong tương lai do biến đổi khí hậu, khi băng biển ngày càng trở nên mỏng manh và dễ vỡ hơn.