Được vinh danh Di sản Thế giới năm 2014, Erbil là một trong những khu định cư lâu đời với lịch sử hơn 6000 năm, là minh chứng cho sự sống mãnh liệt của con người.
Nằm giữa sa mạc khô cằn của Iraq, thành cổ Erbil sừng sững như một ốc đảo chứa đựng hàng nghìn năm lịch sử của loài người. Du khách đến đây như được quay ngược thời gian, trở về với quá khứ xa xăm, được theo dõi dấu chân của các nền văn minh cổ đại, đi qua những con phố nơi nhiều thế hệ đã sống, yêu thương và xây dựng cộng đồng của họ.
Dù chưa được nhiều người biết đến, nhưng thành cổ Erbil được giới nghiên cứu lịch sử đặc biệt quan tâm vì đây là khu dân cư mà con người cư trú liên tục lâu đời nhất trên thế giới.
Thành cổ Erbil, tọa lạc ở trung tâm Erbil trong vùng Kurdistan của Iraq là minh chứng cho lịch sử định cư lâu dài của con người. Phần lớn lịch sử Erbil vẫn chưa được biết rõ, nhưng có nhiều di tích cho thấy cổ thành này đã tồn tại từ năm 5000 trước Công nguyên.
Tòa thành này gây ấn tượng đầu tiên với địa thế rất đặc biệt: nằm trên một khu đất hình trong có chiều cao khoảng 30m. Nền đất này đã được nhiều nền văn minh kế tiếp nhau bồi đắp trong suốt hàng nghìn năm.
Từ thời tiền sử, vùng đất mà thành cổ Erbil tọa lạc đã được thiên nhiên ban cho những điều kiện hết sức thuận lợi cho việc định cư của con người. Đây là một vùng đồng bằng gần nơi hợp dòng của hai con sông có lượng mưa ổn định.
Thành cổ Erbil không chỉ đơn thuần là một địa điểm khảo cổ được ghi lại trong sách lịch sử mà vẫn là một minh chứng rõ nét cho sức sống kiên trì, mãnh liệt của con người. Hình ảnh các tòa nhà, những con hẻm chật hẹp và những con đường quanh co khắp nơi tạo nên một khung cảnh cổ kính, mang đậm dấu ấn thời gian.
Những nhóm người sống bằng nghề săn bắn - hái lượm đã định cư tại đây vào năm 9.300 TCN. Sau đó là thời kỳ của người Hassuna nguyên thủy, khoảng năm 7.000 TCN. Vào năm 1.400 trước Công nguyên, thành cổ Erbil đã trở thành một trong những thành phố quan trọng nhất của đế chế Assyria.
Đế chế Assyria sụp đổ sau một cuộc vây hãm vào năm 612 TCN. Sau đó người Ba Tư nắm quyền kiểm soát vùng đất này. Nhưng 300 năm sau, vào năm 331 TCN, đế chế Ba Tư đã phải nhường quyền kiểm soát thành Erbil cho vương triều Alexander của Hy Lạp.
1.000 năm sau, quân Ottomans càn quét vùng này, đánh bại triều đại Abbasids - triều đại của người Hồi giáo theo dòng Sunni ở trung tâm Iraq. Năm 1918, đế chế Ottoman sụp đổ. Quân đội Anh tiến vào thành phố mà không gặp phải bất kỳ sự kháng cự nào. Điểm đánh dấu sự kết thúc của một giai đoạn lịch sử dài và sự khởi đầu của quốc gia Iraq hiện đại.
Trong thế kỷ 20, trải qua những xáo trộn chính trị khốc liệt, thành cổ Erbil trở thành nơi định cư của khoảng 1.000 gia đình người Kurd, với những khu nhà lụp xụp tạm bợ nằm xen lẫn những di tích cổ xưa bề thế.
Vào những năm 2.000, tại đây đã diễn ra những cuộc khảo cổ trên quy mô hạn chế. Những kết quả khai quật bước đầu cho thấy, lòng đất dưới thành cổ Erbil ẩn chưa một kho tàng vô giá của văn minh nhân loại.
Hiện vật nổi tiếng nhất ở nơi đây là pho tượng Mabarek Ahmed Sharafaddin có từ thế kỷ 12. Tuy nhiên, rất nhiều hiện vật ấn tượng hơn có thể được phát hiện nếu quy mô khai quật được mở rộng.
Bất chấp nhiều thế kỷ hỗn loạn và thay đổi, nơi đây vẫn tiếp tục là nơi sinh sống của một cộng đồng cư dân sôi động. Hiện nay, dân số ở đây khoảng 1,3 triệu người, chủ yếu là người Kurd.
Đi bộ qua những con phố hẹp sẽ giúp du khách khám phá những ngôi nhà truyền thống, khu chợ và địa danh văn hóa, tất cả đều góp phần tạo nên sự phong phú cho cuộc sống hàng ngày bên trong các bức tường của thành cổ này.
Nhận thức được ý nghĩa văn hóa và giá trị lịch sử của Thành cổ, nhiều nỗ lực đã được thực hiện để bảo tồn và bảo vệ địa điểm độc đáo này.
Thành cổ Erbil đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 2014, nhận được sự công nhận quốc tế về tầm quan trọng của nó trong việc tìm hiểu lịch sử loài người và sự tiến hóa văn hóa.