Tiếng hót của chim sẻ ngô tại các thành phố có nhịp điệu nhanh hơn và âm vực cao hơn những con sống trong rừng, hai nhà khoa học Hà Lan khẳng định.
Phát hiện này giúp chúng ta hiểu được tại sao có một số loài chim vẫn sống được ở những cánh rừng gần thành phố trong khi nhiều loài biến mất.
Ban đầu, Hans Slabbekoorn và Ardie den Boer-Visser, hai chuyên gia về hành vi động vật tại Đại học Leiden (Hà Lan) chỉ muốn tìm hiểu xem tiếng ồn ở những khu rừng tại Cameroon ảnh hưởng thế nào tiếng hót của chim. Ông cho rằng tiếng ồn ở những khu rừng gần các đô thị cũng gây ra những tác động tương tự như những cánh rừng nhiệt đới. Nhưng rồi những gì thu thập được đã giúp hai ông phát hiện thêm một điều thú vị khác.
Tiếng hót rất quan trọng đối với chim đực khi chúng cần tìm bạn tình và răn đe những kẻ định xâm phạm lãnh thổ. Nếu những tiếng ồn ở thành phố làm át tiếng hót của chim, chúng sẽ biến mất khỏi những nơi đó, Slabbekoorn giải thích. Một nghiên cứu gần đây cho thấy tiếng ồn ảnh hưởng tới đời sống tình dục của chim.
Chim sẻ ngô (Ảnh: harvard.edu) |
Đối tượng mà Slabbekoorn và Boer-Visser lựa chọn để tìm hiểu là chim sẻ ngô, một trong những loài chim phổ biến nhất tại châu Âu. Hai ông đã đi vòng quanh châu Âu bằng xe hơi và xe đạp để ghi lại tiếng hót của chim sẻ ngô ở 10 khu rừng và các trung tâm của 10 thành phố lớn gần đó - từ chân tháp Eiffel ở Pháp tới cánh rừng gần lâu đài Buckingham ở Anh.
Sau khi so sánh, Slabbekoorn nhận thấy tiếng hót của chim sẻ ngô ở tất cả 10 thành phố ngắn hơn và có nhịp điệu nhanh hơn đồng loại của chúng ở các khu rừng. Tiếng hót của chim sống trong thành phố cũng có tần số cao hơn, dường như là để át tiếng gầm rú của các phương tiện giao thông trong thành phố vốn có tần số thấp.
"Chim sẻ ngô thật may mắn khi chúng biết cách thay đổi cao độ của tiếng hót, bởi nhờ đó mà chúng vẫn trụ lại được ở thành phố trong khi nhiều loài chim khác phải dời đi", Slabbekoorn phát biểu.
Việt Linh