Chuyến bay, được các nhà khoa học tại Công viên quốc gia đảo Giáng Sinh theo dõi bằng một thiết bị định vị toàn cầu, là hành trình bay không nghỉ xa nhất được biết tới nay của loài chim biển có nguy cơ tuyệt chủng này.
Trước kia, người ta cứ ngỡ rằng loài chim ăn xác thối có bộ lông pha trắng - đen và chiếc mỏ hồng rất điển hình này chỉ bay vài trăm kilomét cách xa tổ là cùng, và mỗi lần cũng chỉ kéo dài vài ngày.
"Đây quả là khám phá thực sự", David James, điều phối viên về quan trắc đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Đảo Giáng sinh nhận định.
Hành trình của Lydia bắt đầu hôm 18/10 từ đảo Giáng Sinh, một hòn đảo của Australia trên Ấn Độ Dương, cách thủ đô Jakarta (Indonesia) khoảng 480 km về phía Nam, cách 2.500 km về phía Tây Bắc của Perth, ở phía Tây Australia.
Để lại một đứa con cho bạn đời chăm sóc, Lydia nhằm hướng Nam tới vùng nước mở, có thể để ăn cắp cá của những con chim biển khác, một thói quen của các loài chim ăn xác thối. Sau đó, nó lượn trở lại hôm 26/10 và bay giữa các đảo Java và Sumatra của Indonesia. Từ đó, nó băng qua đảo Borneo hôm 9/11 trước khi bay trở lại Java và về tổ hôm 18/11, nơi nó cho con ăn.
Mặc dù chuyến bay này là dài kỷ lục đối với một con chim frigate, nhưng còn xa mới "đọ" được chuyến bay 46 ngày của một con hải âu lớn đầu xám.
Lydia là 1 trong 4 con chim frigate ở đảo Giáng sinh được gắn thẻ để theo dõi qua vệ tinh. Chúng cung cấp cho các nhà khoa học những thông tin cần thiết về lộ trình bay và kiểu cho ăn của chim frigate. Trước kia, hầu hết dữ liệu như vậy được cung cấp bởi những người quan sát chim. Các quan chức hy vọng dữ liệu mới sẽ giúp cải thiện công tác bảo tồn.
Hiện chỉ còn khoảng 1.200 cặp chim frigate trên hòn đảo nhỏ này ở Ấn Độ Dương, khiến cho chúng trở thành một trong những loài chim biển có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới.
T. An