Khi chim giẻ cùi phát hiện xác đồng loại, chúng sẽ ngừng kiếm mồi và gọi những con khác tới hiện trường.
Teresa Iglesias, một nhà khoa học của Đại học California tại Mỹ, cùng các đồng nghiệp đặt nhiều vật - như đồ chơi bằng gỗ, xác chim giẻ cùi, hình nộm của cú - ở các sân trong khu vực dân cư và quan sát phản ứng của chim giẻ cùi đối với chúng, BBC đưa tin.
Một con chim giẻ cùi
Phản ứng của chim giẻ cùi không hề giống nhau khi chúng thấy những vật bằng gỗ. Nhưng khi thấy xác đồng loại, chúng kêu to để những con khác bay tới. Sau đó bầy chim giẻ cùi đứng xung quanh xác và tiếp tục kêu to để kêu gọi những con khác.
Trong ngày hôm đó bầy chim giẻ cùi ngừng kiếm thức ăn. Hành vi này kéo dài tới tận hôm sau.
Khi những con chim thấy đồ chơi hình chim cú - loài bắt chúng để ăn - chúng cũng tụ tập ở một chỗ và phát tiếng kêu báo động. Sau đó cả bầy tìm cách xua đuổi con cú.
“Sự hiện diện của xác chim giẻ cùi và chim cú đều là những thông tin mà chim giẻ cùi muốn chia sẻ với đồng loại để nâng cao cảnh giác với các mối hiểm họa trong môi trường sống. Nhờ cơ chế giao tiếp đó mà chúng có thể bảo vệ lẫn nhau, giảm nguy cơ tử vong”, nhóm nghiên cứu kết luận.
Nhiều loài động vật cũng có tập tính kêu gọi những con khác khi phát hiện xác đồng loại. Chẳng hạn, voi và hươu cao cổ thường tụ tập xung quanh xác đồng loại trong đàn. Giới sinh học cho rằng chúng có khái niệm về sự sống và cái chết nên mỗi khi một thành viên trong đàn qua đời, chúng tập trung xung quanh xác để thể hiện sự thương tiếc.