Theo thông tin từ BirdLife, những nghiên cứu thực địa mới đây phát hiện 3 địa điểm mới của chim Mi LiangBiang (tên khoa học là Crocias Langbianis). Đây là loài chim đặc hữu của Việt Nam và đang bị đe dọa toàn cầu.
>>> Phát hiện 163 loài mới tại khu vực sông Mekong
Ba địa điểm mới này nằm ở Đa Nhim, D’Ran và Đơn Dương (Lâm Đồng). Trước cuộc nghiên cứu này, các số liệu và thông tin thu thập được về loài chim Mi chỉ có ở Khu bảo tồn Lâm Viên, gồm cả thung lũng Tà Nùng và Vườn Quốc gia Chư Yang Sin (Đắk Lắk).
Trong chuyến đi thực địa, các nhà khoa học của BirdLife, Sở NN&PTNT Lâm Đồng và Vườn Quốc Gia Bi Doup - Núi Bà, đã tìm thấy Mi LangBiang ở 2 địa điểm là rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim (huyện Lạc Dương) - nơi đang bị phá để chuẩn bị xây dựng công trình thủy điện. Đáng lưu ý, một đôi chim này cũng được tìm thấy ở bìa rừng, cách phía công trình thủy điện khoảng 50 mét.
Ngoài ra, ở huyện Đơn Dương, còn tìm thấy 3 đôi Mi ở rừng phòng hộ đầu nguồn D’Ran và 7 đôi Mi khác được tìm thấy dọc theo 25 km đoạn ngăn rừng thuộc Công ty Lâm nghiệp Đơn Dương. Đây là khu vực rừng xanh lá rộng được khai thác theo chu kỳ 35 năm.
Chim Mi Langbiang (Crocias Langbianis) ở huyện Đơn Dương. |
"Chúng tôi rất lo ngại về 2 trong số 3 địa điểm vừa mới phát hiện. Khu vực chứa nước cho dự án thủy điện ở Đa Nhim nằm đúng ở tầng sinh thái và sinh cảnh của loài Mi này. Khu Đơn Dương thì đang bị khai thác" Trưởng đại diện tổ chức BirdLife International ở Đông Dương Jonathan C Eames nói.
Các nhà khoa học cũng chứng kiến việc chặt phá rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim cũng như sinh cảnh và độ cao sinh sống của loài Mi này, để trồng cà phê và trồng cây cải ngựa Nhật Bản (dùng để chế biến wasabi).
Tổ chức BirdLife đang cùng làm việc với các đối tác nhằm xác định các khu rừng có giá trị bảo tồn cao và thúc đẩy công tác quản lý bền vững. Đây là chương trình nằm trong dự án rộng hơn nhận tài trợ từ Quỹ Rừng Nhiệt đới - một sáng kiến của Chính Phủ Việt Nam.