Theo thông báo của bệnh viện động vật hoang dã Taronga tại Sydney, Australia thì họ vừa cứu được 1 chú rùa biển xanh trên bãi biển Tamarama. Tạm không nói đến những vết thương chú gặp phải thì có 1 điểm đáng lo ngại là chú đã ăn phải quá nhiều nhựa. Đến mức sau 6 ngày số nhựa này mới được đưa hết ra qua đường chất thải.
Như lời của y tá chăm sóc chú rùa này thì đáng lẽ khi đi ị thì phải ra phân, nhưng ở đây những gì thu lại được toàn những miếng nhựa có đủ kích thước, màu sắc, đủ kiểu nhọn, sắc, cứng... Lý giải hiện tượng này các chuyên gia cho rằng bởi ngay khi rùa con được sinh ra có quá nhiều rác nhựa xung quanh, thế nên chúng cứ thế ăn theo bản năng làm tích tụ nhiều rác thải nhựa trong dạ dày như thế.
Chú rùa này cũng thuộc diện rất may mắn, bởi khi được phát hiện chú bị mất 1 chân chèo phía sau, bị lật ngửa và mai đã bị mổ thủng 1 chỗ. Hiện tại sức khỏe của chú đã ổn định và đang lên cân trở lại. Tuy nhiên để có thể quay trở lại đại dương chú sẽ cần phải có 1 số đợt phẩu thuật và lắp chân giả, thời gian điều trị có thể kéo dài hơn 1 năm.
Mặc dù tại Australia hơn 1 nửa số bang đã áp dụng các quy định cấm dùng nhựa 1 lần nhưng mức độ nghiêm trọng của việc này có vẻ không ăn thua trước tốc độ xả thải. Tính trên phạm vi thế giới mỗi năm loài người thải ra đại dương khoảng 8 triệu tấn nhựa, phần lớn thông qua các cửa biển, bị chôn dọc theo bãi biển hay bị các tàu đánh cá xả ra. Đến cả 1 trong những hòn đảo thuộc diện xa xôi nhất là đảo Henderson cũng ghi nhận gần 38 triệu miếng nhựa sau khi kiểm tra trên bãi biển của hòn đảo này.