Virus lạ khiến ngựa chết hàng loạt ở Thái Lan gây lo ngại đại dịch mới

Chưa dẹp yên Covid-19, quốc gia Đông Nam Á phải “đau đầu“ vì dịch bệnh khác

Ngoài virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19, Thái Lan còn có một loại virus khác đang lây lan nhanh chóng ở động vật, tấn công vào phổi của vật chủ, gây sốt và dẫn đến tử vong chỉ trong vài giờ.

Theo Thời báo châu Á, lực lượng an ninh Thái Lan hôm 10/4 đã lập các chốt kiểm soát trên đường cao tốc để ngăn việc vận chuyển ngựa trên khắp đất nước, và kiểm soát số ngựa bị nhiễm virus gây bệnh ngựa châu Phi (AHS).

Dịch AHS xuất hiện trong bối cảnh Thái Lan đang phải "căng mình" đối phó với dịch Covid-19 và áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt như phong tỏa hay lệnh giới nghiêm. Tuy nhiên, 2 loại virus này không liên quan tới nhau. Hiện tại, thế giới chưa ghi nhận trường hợp nhiễm virus gây bệnh AHS liên quan tới con người.

Tuy nhiên, giới chức Thái Lan sẽ phải đau đầu đối phó với những khó khăn mới do bệnh AHS gây ra, một trong số đó liên quan tới xuất khẩu ngựa sang Liên minh châu Âu, Mỹ và một số nước khác trên thế giới.

"Cơ quan thú y thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đang hạn chế nhập khẩu ngựa từ Thái Lan, căn cứ vào tình trạng có nhiều giống ngựa nhiễm virus gây bệnh AHS tại quốc gia Đông Nam Á này. Quyết định này có hiệu lực ngay lập tức và sẽ thay đổi khi có thông báo mới", Bộ Nông nghiệp Mỹ thông báo hôm 31/3.


Dịch bệnh mới nhắm vào ngựa khiến giới chức Thái Lan đau đầu. (Ảnh minh họa: Thời báo châu Á)

Giới chức y tế Thái Lan đã thành lập một trung tâm kiểm soát dịch bệnh và triển khai các nhóm tới kiểm tra số ngựa nhiễm bệnh, đồng thời phun thuốc khử trùng trong các chuồng ngựa.

Một đường dây nóng cũng được lập ra để người dân có thể thông báo cho giới chức về bất cứ hoạt động vận chuyển ngựa bất hợp pháp nào.

Theo Thời báo châu Á, Thái Lan hiện có ít nhất 186 con ngựa chết vì dịch bệnh AHS, trong đó, 162 con là ở tỉnh Nakhon Ratchasima ( hay còn gọi là Korat), đông bắc Thái Lan - nơi được mệnh danh là "khu vực cao bồi". Các bác sĩ thú y quốc tế thường lấy một mẫu máu từ ngựa còn sống hoặc tách một mẩu lá lách từ con ngựa đã chết để xác định xem còn vật có nhiễm virus gây bệnh AHS hay không.

Tờ Bangkok Post đưa tin, Uthen Chatphinyo, chủ một trang trại ngựa đua trong tỉnh Korat đã mất 21 trong tổng số 160 con ngựa vì dịch AHS. Trong khi đó, Nopphadon Sarobon, chủ một trang trại ngựa khác, cho biết ông cũng mất 20 con ngựa được nhân giống để bán. Mỗi con có giá từ 400.000 tới 800.000 baht (300-600 triệu đồng)

Con ngựa đầu tiên chết vì AHS được ghi nhận hồi tháng 3 tại huyện Pak Chong, tỉnh Korat, Sorawit Thanito, người đứng đầu Cục phát triển chăn nuôi Thái Lan, cho biết.

Sau đó, số ngựa chết nhiều hơn và lan ra các tỉnh Prachuap Khirikhan (13 ca), Chonburi (5 ca), Ratchaburi (3 ca), Phetchaburi (2 ca), Chaiyaphum (1 ca), hãng thông tấn Thai News đưa tin hôm 6/4.

"Dịch bệnh này vừa mới xuất hiện ở Thái Lan. Chúng tôi chưa từng gặp nó trong quá khứ. Hiện tại, chúng tôi đang điều tra về cách virus xâm nhập vào Thái Lan", Reuters dẫn lời ông Sorawit.

Thái Lan bị gạch tên khỏi danh sách các nước "không có dịch AHS" bởi Tổ chức động vật thế giới vào ngày 27/3 sau khi ông Sorawit thông báo về 42 con ngựa chết vì dịch bệnh AHS.

Dịch bệnh AHS có thể tấn công ngựa, lừa, la, ngựa vằn, lạc đà hoặc chó, theo Viện Pirbright - có trụ sở tại Anh. Hiện chưa có thuốc chữa hoặc vaccine phòng bệnh. Các loại thuốc chống viêm chỉ có thể giúp giảm đau hoặc hạ sốt.

"Bệnh AHS có thể lây qua máu, tác động đến phổi, lá lách và các mô bạch huyết khác", các nhà nghiên cứu của Viện Pirbright cho hay.


Các triệu chứng bệnh AHS ở động vật bao gồm sốt, sưng quanh mắt, môi, má, lưỡi và cổ. (Ảnh minh họa: Thời báo châu Á)

Virus gây bệnh AHS có khả năng lây nhiễm nhưng không trực tiếp qua tiếp xúc giữa ngựa với ngựa, mà do loại ruồi chuyên hút máu ngựa là trung gian truyền bệnh.

Theo các nhà khoa học ở Viện Pirbright, chó cũng có thể bị lây nhiễm nếu ăn phải thịt ngựa nhiễm bệnh.

Hầu hết động vật nhiễm AHS xuất hiện ở châu Phi nhưng dịch bệnh cũng được ghi nhận ở khu vực Trung Đông, Pakistan, Ấn Độ, Ma rốc, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

"Trong nhiều thế kỷ, AHS là một tai họa tàn khốc với người nuôi ngựa. Nó có tỷ lệ tử vong là 70%", Viện y tế quốc gia (NIH), trụ sở tại bang Maryland, Mỹ, cho biết.

Vào những năm 1800, virus gây bệnh AHS đã giết gần 70.000 con ngựa trong 10 năm ở Nam Phi. Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả. Chỉ trong 4 năm (1959-1963), AHS đã giết hơn 300.000 con ngựa ở khu vực Trung Đông và tây nam Á, theo NIH. Dịch chỉ bị hạn chế nhờ một số vaccine thử nghiệm và số ngựa chết đã quá lớn.

Virus lây lan thông qua vết cắn của côn trùng và động vật như dơi hút máu đã bùng phát ở châu Á trong hơn 50 năm. Tuy nhiên, căn bệnh đang tàn phá những trại nuôi ngựa ở Thái Lan đã gửi một tín hiệu khác đến cộng đồng y tế toàn cầu về nguy cơ tiềm ẩn trong việc buôn bán động vật hoang dã.

Các thống kê cho thấy, khoảng 70% căn bệnh mới nổi đều là bệnh từ động vật hoang dã lây sang con người.

4 đại dịch lớn đều từ động vật

Biến đổi khí hậu, dân số ngày càng tăng, chủ nghĩa tiêu dùng thích những thứ “độc và lạ”, nghèo đói, xung đột và di cư là những yếu tố trong sự lây lan của các vấn đề sức khỏe toàn cầu ngày nay, một nhóm các nhà khoa học đã viết trên tạp chí y khoa Lancet vào ngày 16/5, kêu gọi một liên minh đa ngành để nghiên cứu về đại dịch Covid-19.


Những con ngựa vằn quá cảnh ở Thái Lan để sang Trung Quốc đã lây bệnh cho ngựa nuôi ở Thái Lan. (Ảnh: Reuters).

Kể từ những năm 1980, bốn đại dịch lớn đã càn quét thế giới bao gồm Sars, Ebola, AIDS và Covid-19 đều gắn liền với buôn bán động vật hoang dã. Các loại dịch bệnh tai hại khác liên quan đến động vật như Bluetongue, cúm gia cầm, tả lợn châu Phi đã làm tăng thêm chi phí cho các vấn đề sức khỏe.

“Một hệ thống giám sát mạnh mẽ hơn vào các phần của động vật hoang dã, đặc biệt là những nguồn gây ra nhiều loại virus mà chúng ta có thể tiếp xúc sẽ rất hữu ích”, Peter Ben Embarek, nhà khoa học về an toàn thực phẩm và bệnh động vật thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói.

Một cuộc điều tra của chính phủ Thái Lan về nguồn gốc của dịch bệnh trên loài ngựa cho thấy những con ngựa vằn nhập khẩu hợp pháp từ châu Phi mang mầm bệnh, nhưng không có triệu chứng.

Chúng được phép quá cảnh qua Thái Lan mà không cần kiểm dịch. Khoảng trống về an toàn sinh học này đã được đóng lại vào tháng trước. Một công ty Thái Lan liên quan đến nhập khẩu động vật kể từ tháng 9/2018 đã nhập và bán những con ngựa vằn sang Trung Quốc, theo một tuyên bố của Cục Công viên Quốc gia Thái Lan.

“Không ai nghĩ rằng dịch bệnh trên ngựa xuất phát từ châu Phi. Ý nghĩ đầu tiên là một cái gì đó xuất phát từ trong nước”, Siraya Chunekamrai, một bác sĩ thú y ở Bangkok, người đã tham gia vào nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh trên ngựa cho biết.

Hiểm họa từ buôn bán động vật hoang dã

Các chủ trại ngựa ở Thái Lan giờ đây phải chịu thiệt hại kép do Covid-19 và dịch bệnh AHS. Giờ đây những con ngựa không được phép xuất khẩu từ nước này trong ít nhất 2 năm, kể từ ngày nhiễm bệnh, hoặc tiêm phòng lần cuối.

Trong khi ngựa vằn được nhập khẩu hợp pháp vì lỗ hổng trong quy định của luật pháp, nhiều quốc gia phải đối mặt với nguy cơ bùng phát vì thị trường chợ đen ngày càng phát triển đối với buôn lậu sản phẩm động vật hoang dã.


4 đại dịch lớn gần đây đều xuất phát từ buôn bán động vật hoang dã. (Ảnh: AP).

Interpol ước tính thị trường chợ đen buôn bán động vật hoang dã trị giá tới 20 tỷ USD mỗi năm. Ở Myanmar, quốc gia có chung biên giới với Thái Lan, việc thực thi pháp luật về buôn bán động vật hoang dã rất yếu.

Điều đó có nghĩa là tê tê, rùa, rắn, bộ phận cơ thể gấu, chim và ngà voi dễ dàng được buôn lậu vào Trung Quốc, Nay Myo Shwe, chuyên gia về nạn buôn lậu động vật hoang dã tại khu bảo tồn động vật Chattin ở Mandalay, miền trung Myanmar cho biết.

“Điều đó đặt chúng ta vào nguy cơ rất cao đối với các dịch bệnh mới nổi xuất phát từ động vật hoang dã”, ông Nay Myo Shwe nói. Ông cho biết thêm những người buôn bán động vật hoang dã, các chuyên gia dịch tễ học, cơ quan quản lý và các nhóm hỗ trợ y tế, thú y cần hợp tác với nhau để giảm thiểu nguy hiểm.

Mức độ nguy hiểm của đại dịch Covid-19 được cho là bắt nguồn từ loài dơi, đã khiến các chính phủ từ Mỹ đến Australia tăng tiền tài trợ cho các nghiên cứu về mối quan hệ giữa động vật, con người và môi trường để dịch bệnh truyền nhiễm tiềm ẩn phát triển trước khi chúng nhảy loài.

“An toàn sinh học toàn cầu là vấn đề mấu chốt. Sau khi dịch bệnh đã bùng phát sẽ rất tốn kém, khó diệt trừ và có thể lây lan sang nước khác”, bác sĩ thú y Mark Schipp, người Australia, chủ tịch Tổ chức Thú y Thế giới nói.

“Cần phải xác định bệnh ngựa châu Phi đã lây lan sang ngựa nuôi ở Thái Lan như thế nào là chìa khóa để rút ra các bài học, nếu không có sự thay đổi sâu sắc trong việc buôn bán động vật hoang dã, một đại dịch trong tương lai có thể xảy ra”, bác sĩ thú ý Schipp cho biết thêm.

Cập nhật: 26/05/2020 Theo Dân Việt/Zing
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video