Cung hoàng đạo của bạn có lẽ đã thay đổi mà bạn không hề biết

  •   32
  • 3.308

Một người có thể thuộc cung Ma Kết, nhưng trên thực tế, vào thời điểm người đó sinh ra, Mặt trời lại đang nằm ở giữa chòm sao Nhân Mã!

Chiêm tinh học và Thiên văn học là những khái niệm khác biệt. Chiêm tinh học là lĩnh vực hình thành từ thời cổ đại, chuyên dự báo số phận và vận mạng của một người dựa trên vị trí của Mặt trời, Mặt trăng, sao, và các hành tinh. Vào thời đó, chiêm tinh học và thiên văn học bị đánh đồng với nhau – trên thực tế, nhiều nhà thiên văn học cổ xưa đã đưa ra được những quan sát khoa học mà cho đến ngày nay vẫn còn giá trị.


Nhiều nhà thiên văn học cổ xưa đã đưa ra được những quan sát khoa học mà cho đến ngày nay vẫn còn giá trị.

Nhưng khi Copernicus, Kepler, và Galileo nhận ra các hành tinh quay quanh Mặt trời chứ không phải Trái đất, và Newton khám phá ra các định luật vật lý đằng sau hoạt động của chúng, chiêm tinh học và thiên văn học đã "đường ai nấy đi", không bao giờ tái hợp nữa.

Và ngành thiên văn học ngay lúc này đang xung đột với một trong những nguyên lý cơ bản đóng vai trò nền tảng trong chiêm tinh học: các ngày thuộc cung hoàng đạo.

Các chòm sao tương ứng với các cung hoàng đạo

Trong một năm, Mặt trời sẽ đi ngang qua một vành đai chứa 12 chòm sao, hay các nhóm sao cổ xưa. Chúng tập hợp lại thành các cung hoàng đạo và được hình dung dưới dạng các loài động vật, như linh dương (cung Bạch Dương), cua (cung Cự Giải), và sư tử (cung Sư Tử). Nhiều người sẽ thất vọng khi biết rằng hình dạng thực tế của các chòm sao này trông chẳng giống gì với loài động vật mà chúng đại diện. Làm sao có thể như vậy được, khi mà chúng thực sự chỉ là các ngôi sao nằm rải rác một cách ngẫu nhiên? Chúng chỉ đóng vai trò đại diện chứ không phải thể hiện.

Dù rằng các chòm sao thuộc hoàng đạo, vốn đã được các nhà chiêm tinh học đưa ra từ Thời Lưỡng Hà hoặc trước đó nữa, có vẻ như có tính bất biến nhưng chúng cũng chỉ là một ví dụ điển hình cho những khái niệm được đưa ra bởi nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới – mỗi nền văn hóa lại có những ý niệm của riêng họ và thường rất khác biệt với nhau về cấu trúc của bầu trời. Ví dụ, người Inca vẽ nên các chòm sao không phải từ những ngôi sao, mà từ những khoảng tối trên dải ngân hà.

Số lượng các chòm sao trong cung hoàng đạo phương Tây được lấy từ số chu kỳ của Mặt trăng, vốn quay quanh Trái đất 12,4 lần mỗi năm. Mỗi kỳ Trăng mới, Mặt trời lại hướng về một chòm sao khác nhau, và đằng sau Mặt trời là một chòm sao khác. Dù những ngôi sao này không thể thấy được vào ban ngày, bạn có thể biết được chòm sao phía trước Mặt trời bằng cách nhìn lên bầu trời đêm. Lúc này, bạn sẽ thấy được chòm sao đối diện với nó.

Số lượng các chòm sao trong cung hoàng đạo phương Tây được lấy từ số chu kỳ của Mặt trăng
Số lượng các chòm sao trong cung hoàng đạo phương Tây được lấy từ số chu kỳ của Mặt trăng.

Chiêm tinh học nói rằng mỗi dấu hiệu của hoàng đạo sẽ nằm gọn trong một khoảng 30 độ của bầu trời – bầu trời 360 độ sẽ chia đều ra 12 khoảng, tương ứng 12 dấu hiệu. Trong thực tế, mọi thứ không phải vậy, bởi các chòm sao có hình dạng và kích cỡ rất khác nhau. Ví dụ, Mặt trời đi ngang qua chòm sao Bọ Cạp chỉ trong 5 ngày, nhưng mất đến 38 ngày mới đi hết chòm sao Kim Ngưu. Đó là một trong những lý do mà các dấu hiệu chiêm tinh học không trùng khớp với các chòm sao thuộc hoàng đạo.

Hình dáng của các cung hoàng đạo.
Hình dáng của các cung hoàng đạo.

Tuế sai của điểm phân

Lý do chính khiến các dấu hiệu chiêm tinh học không trùng khớp với hoàng đạo chính là một sự "rung lắc" trên trục quay của Trái đất – gọi là "tuế sai" (hay "tiến động"). Vì một số nguyên nhân trong quá trình quay, Trái đất hơi phình ra ở xích đạo. Trọng lực của Mặt trăng và Mặt trời sẽ tạo ra lực kéo Trái đất ở điểm phình này, khiến Trái đất rung lắc như một con quay vậy. Sự rung lắc này làm cho trục của Trái đất – tức đường thẳng trung tâm mà Trái đất quay quanh đó – đung đưa theo một chu kỳ khá chậm, hơn 25.800 năm!

Chuyển động này làm thay đổi góc nhìn của các cung hoàng đạo từ Trái đất, khiến các chòm sao như trượt về phía đông gần 1 độ trong suốt quãng đời của một người. Dù chậm, tuế sai đã được khám phá ra chỉ bằng mắt thường bởi Hipparchus ở Nicaea vào khoảng năm 150 Trước Công nguyên.


Sự rung lắc của trục Trái đất khiến các ngày trong hoàng đạo bị sai lệch so với ban đầu

Vào thời cổ đại, xuân phân – hay ngày đầu tiên của mùa xuân – là cung Bạch Dương. Bởi tuế sai, ngày này đã chuyển sang cung Song Ngư vào khoảng năm 100 trước Công nguyên – vị trí của nó hiện nay sẽ tiếp tục duy trì cho đến năm 2.700 sau Công nguyên, khi nó chuyển sang cung Bảo Bình rồi cứ thế tiếp tục. Sau hơn 25.800 năm, nó sẽ trở lại với cung Bạch Dương và chu kỳ này sẽ bắt đầu lần nữa.

Nếu chỉ xem là một trò chơi, thì chiêm tinh học và những dự báo về số phận cũng như tính cách con người có thể nghe khá vui tai. Tuy nhiên, những điều này không hề có nguồn gốc khoa học. Mối tương quan giữa chiêm tinh học với khoa học, cũng giống như mối tương quan giữa trò chơi "Cờ tỷ phú" với thị trường bất động sản ngoài đời thực – chẳng hề có mối tương quan nào cả!

Chiêm tinh học khiến chúng ta quên đi những tác động rất thực của các hành tinh, chủ yếu là những ảnh hưởng về trọng lực của chúng lên một hành tinh khác và gây ra những thay đổi trong hình dạng, kích cỡ, độ nghiêng của quỹ đạo quay của chúng. Trên Trái đất, những thay đổi như vậy nhiều khả năng là nguyên nhân dẫn đến những kỷ băng hà trước đây. Những va chạm trực tiếp giữa Trái đất và các thực thể ngoài hành tinh có thể gây ra những thay đổi rất nhanh chóng, như sự kiện một thiên thạch đâm xuống bán đảo Yucatan 66 triệu năm về trước dẫn đến những hiệu ứng toàn cầu, trong đó có sự biến mất của loài khủng long và sự trỗi dậy của các loài thú có vú.

Nghiên cứu thiên văn học có thể giúp chúng ta dự báo trước được những sự kiện như vậy. Còn chiêm tinh học thì sao? Nó chẳng dẫn bạn đến đâu cả.

Cập nhật: 25/05/2020 Theo vnreview
  • 32
  • 3.308