Đài Quan sát thiên văn Nam Âu vừa chụp được một bức ảnh ghi lại sự hình thành và cái chết của các ngôi sao tại thiên hà Large Magellanic Clound (Tinh vân Magellanic lớn).
Theo trang Science.com, thiên hà LMC nằm cách Trái đất 163.000 năm ánh sáng. Đây là một trong những “hàng xóm” gần nhất của dải Ngân hà. Ở bán cầu nam, chúng ta có thể quan sát thấy thiên hà này bằng mắt thường.
Bức ảnh chụp khu vực Tinh vân Đầu Rồng, nơi các ngôi sao sinh ra và chết đi - (Ảnh: Earthsky)
Bức ảnh đặc biệt do kính thiên văn VLT của Đài Quan sát Nam Âu ở Chile chụp một khu vực có tên NGC2035 tại thiên hà LMC. Do hình dáng kỳ lạ của nó, đây là khu vực có biệt danh Dragon’s Head Nebula (Tinh vân Đầu Rồng).
Trong bức ảnh, vùng sáng bên phải chính là các ngôi sao mới hình thành và tỏa sáng, tạo ra lượng nhiệt cực lớn. Các ngôi sao này thường cháy rất sáng nhưng có thời gian tồn tại khá ngắn ngủi nếu so với mặt trời của chúng ta.
Ngược lại, đám mây khí và bụi bên trái bức hình là tàn tích của những ngôi sao lớn đã qua đời. Do có kích thước cực lớn, chúng nhanh chóng đốt hết nhiên liệu, trở nên bất ổn rồi nổ tung (supernova) ở giai đoạn cuối cuộc đời. Cái chết của chúng để lại những dấu vết trên.
“Bức ảnh này giống như một tác phẩm nghệ thuật - BBC dẫn lời nhà thiên văn Olivier Hainaut thuộc Đài Quan sát Nam Âu nhận định - Khi xem nó, bạn nhận ra rằng mình đang chứng kiến những phần nhỏ của vũ trụ ngay bên cạnh mình. Những ngôi sao sinh ra và chết đi là bằng chứng cho thấy vũ trụ đang chuyển động và tiến hóa”.