Theo báo Mỹ, cuộc bình chọn giải Nobel hòa bình năm nay diễn ra căng thẳng và gay go nhất trong toàn bộ lịch sử 105 tồn tại giải này.
Việc lựa chọn Nobel hòa bình diễn ra gay gắt nhất
Trong 5 tháng cuối cùng, Ủy ban giải Nobel hòa bình gồm 5 thành viên người Na Uy mà tính danh được giữ trong vòng tuyệt mật, đã nghiên cứu tiểu sử, những thành công, sự trung thực về tài chính, sự trong sạch về đạo đức và những ý định thật sự của 199 ứng cử viên, trong số đó có 36 tổ chức.
Trong số các cá nhân được đề cử có Giáo hoàng Jean Paul II, Tổng thống Ukraina Yushenko và Tổng thống Gruzia Saakasvili.
Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA và người đứng đầu cơ quan này là ông ElBaradei đã đạt giải Nobel hòa bình |
- Cựu Tổng thống Phần Lan Martti Akhtisari, người đã đề xuất và tham gia nhiều sáng kiến hòa bình tại các điểm nóng trên thế giới, đặc biệt là tham gia cuộc thương lượng giữa chính phủ Indonesia với lực lượng nổi dậy ở tỉnh Ache;
- Các ngôi sao nhạc rock Bob Geldof và Bono thuộc nhóm U- 2, những người đã có đóng góp to lớn vào cuộc đấu tranh chống nghèo khổ ở châu Phi;
- Hai chiến sĩ hòa bình Mỹ Sam Nann và Richard Lugar, những người đã tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh giải trừ vũ khí hạt nhân và do đó được nhiều người tiên đoán là sẽ nhận được giải Nobel hòa bình năm nay, năm kỷ niệm 60 năm ngày thành phố Hirosima bị thảm họa nguyên tử; nhà vật lý Mordehai Vanunu, người đã tiết lộ bí mật hạt nhân của Israel.
Nhưng cuối cùng, Ủy ban giải Nobel hòa bình của Na Uy đã quyết định trao tặng giải thưởng vinh dự này cho Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA và người đứng đầu cơ quan này là ông ElBaradei “vì những nỗ lực nhằm ngăn chặn việc sử dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích quân sự và nhằm bảo đảm năng lượng nguyên tử chỉ được sử dụng vào mục đích hòa bình trong điều kiện an toàn tối đa”.
Nobel Văn học luôn bất ngờ và nhiều kịch tính
Harold Pinter |
Bắt đầu từ việc, một viện sĩ trọn đời của viện hàn lâm Thụy Điển – Knut Anlund tuyên bố rút lui khỏi Ban giám khảo để việc trao giải thưởng Nobel văn học năm 2004 cho nhà văn Thụy Điển - Elfriede Jelinek. Ông không giải thích tại sao phải sau tới 1 năm sau khi công bố giải thưởng, ông mới có phản ứng này.
Thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Thụy Điển - Horace Engdahl cho biết, sự ra đi của Knut Anlund không ảnh hưởng gì đến công việc đang diễn ra. Theo lời Engdahl, từ năm 1996, ông Anlund đã không tích cực tham gia vào việc quyết định giải thưởng. Engdahl cho rằng hành động này của Anlund nhằm mục đích làm u ám lễ trao giải năm nay.
Sau Nobel Văn học 2001 được trao cho V.S. Naipaul, Pinter là nhà văn tiếp theo của Anh nhận được giải thưởng danh giá này. Trong khoảng thời gian 5 năm mà có tới 2 nhà văn Anh được nhận giải Nobel Văn học, âu cũng là chuyện hiếm thời nay.
Hơn 100 năm, những thủ tục bình chọn hầu như không thay đổi
Nhà vật lý lão thành Anders Barani, giám đốc Viện bảo tàng Nobel ở Stockholm cho biết: “Hệ thống bình chọn đã được nghiền ngẫm kỹ. Việc rò rỉ thông tin đúng là thường xẩy ra nhưng đó là những thông tin không chính xác. Tôi có thể nói rằng không một tổ chức nào, không một phong trào hoặc một nhóm người nào có thể vận động cho ứng cử viên của mình”. Lời khẳng định của ông Anders Barani là hoàn toàn đáng tin bởi vì ông nội ông đã được trao giải Nobel về vật lý năm 1915 và bản thân ông trong vòng 15 năm (từ năm 1988 đến năm 2003) là Thư ký ủy ban Nobel về vật lý. Do đó, ông có điều kiện theo dõi quá trình bình chọn từ bên trong.
Cũng theo lời ông Anders Barani, những quy tắc mà các ủy ban giải Nobel ở Stockholm (về vật lý, y học, hóa học, kinh tế và văn học) cũng như ở Oslo (về hòa bình) hiện đang tuân theo thực tế là không thay đổi.
Cứ đến mùa thu là mỗi ủy ban lại gửi 3 nghìn bức thư đến các nhân vật đã được nhận giải cũng như đến các trường đại học lớn nhất thế giới và các tổ chức có uy tín lớn kèm theo yêu cầu đề cử người được giải cho năm sau.
Tiếp đó, các ủy ban tiến hành chọn lọc sơ bộ và lập ra danh sách chung khảo để đệ trình lên Hội đồng trưởng lão và Hội đồng này sẽ đưa ra quyết định cuối cùng. Riêng ủy ban ở Oslo mà các thành viên do Nghị viện Na Uy chỉ định, không cần đệ trình danh sách chung khảo lên bất kỳ hội đồng nào. Quyết định của họ là chung cục.
Có lẽ vì thế mà giải Nobel hòa bình tuy có gây ra những phản ứng khác nhau (chẳng hạn, khi được trao cho Henry Kissinger, Iasir Arafat hoặc Menahem Begin) nhưng vẫn là giải ít gây ra ý kiến trái ngược nhất trong số 6 giải Nobel.
Lễ trao giải diễn ra vào ngày 10 tháng 12 tại Stockholm và Oslo. Theo truyền thống, các giải Nobel về vật lý, hóa học, y học, văn học và kinh tế được đích thân vua Thụy Điển trao tặng tại Phòng Hòa nhạc ở Stockholm. Còn giải Nobel hòa bình được Chủ tịch ủy ban Nobel của Na Uy trao tặng ở Oslo trước sự hiện diện của vua Na Uy và các thành viên Hoàng gia.
Ban đầu, theo bản di chúc của Nobel được soạn thảo vào ngày 27 tháng 11 năm 1895, giải thưởng dự kiến chỉ dành cho 5 lĩnh vực là vật lý, hóa học, y học (sinh lý học), văn học và hòa bình. Từ năm 1969, theo đề nghị của Ngân hàng quốc gia Thụy Điển, giải Nobel về kinh tế ra đời.
Số phận trớ trêu đã khiến người sáng lập ra giải hòa bình lại là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất trong ngành sản xuất chất nổ.
Vài số liệu lý thú chung quanh giải Nobel Kể từ khi ra đời, giải Nobel đã được trao tặng cho 755 người, trong đó có 33 phụ nữ, 721 nam giới, và 18 tổ chức. Phụ nữ hai lần đoạt giải Nobel về vật lý (năm 1903 và 1963), ba lần đoạt giải Nobel về hóa học (năm 1911, 1935 và 1964), bẩy lần đoạt giải Nobel về y học, 10 lần về văn học và 12 lần về hòa bình. Cho tới nay, người trẻ nhất được giải Nobel là Laurence Brett: vào năm 1915, khi mới 25 tuổi, ông đã đoạt giải Nobel về vật lý cùng với cha ông. Nói chung, vật lý là lĩnh vực chiếm kỷ lục về số người được giải và cũng chiếm kỷ lục về số người trẻ nhất được giải: 4 người 31 tuổi, 2 người 32 tuổi, 2 người 33 tuổi và 2 người 34 tuổi. Điều lý thú là những người được giải cao tuổi nhất cũng thuộc lĩnh vực vật lý: có 2 người đoạt giải Nobel về vật lý ở tuổi 87 (vào năm 2002, đó là nhà vật lý Mỹ Raymond Davis, và vào năm 2003, đó là nhà vật lý Nga Vitali Ginzburg). |
Vũ Việt - Quỳnh Như (Tổng hợp báo Nga)