Chuyến đi bộ ngoài không gian suýt biến thành thảm kịch của Liên Xô

Chuyến đi bộ ngoài không gian đầu tiên của nhân loại từng suýt trở thành thảm kịch với hàng loạt sự cố nghiêm trọng.

Khoảnh khắc nhà du hành Alexey Leonov thực hiện chuyến đi bộ ngoài không gian đầu tiên năm 1965 trở thành một dấu ấn rực rỡ trong lịch sử nhân loại. Sự kiện này cũng đánh dấu thành công vượt bậc của Liên Xô trong cuộc đua vũ trụ với Mỹ. Tuy nhiên, hàng loạt sự cố xảy ra đã suýt biến chuyến đi thành thảm kịch, theo Curious Droid.


Chuyến đi bộ ngoài không gian đầu tiên trong lịch sử. (Video: YouTube).

Năm 1961, Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ. Sau đó, với 6 lần thành công đưa con người lên không gian cùng tàu Vostok (Phương Đông) giai đoạn 1961–1963, Liên Xô trở thành nước đi đầu trong cuộc đua vũ trụ.

Liên Xô cũng gặp áp lực phải duy trì thành công này trong chương trình vũ trụ tiếp theo. Họ lên kế hoạch sửa lại tàu Vostok thành tàu Voskhod, nghĩa là "Bình minh" trong tiếng Nga.

Cùng thời điểm đó, Mỹ đang thực hiện dự án Gemini nhằm đưa nhiều người lên tàu vũ trụ và phi hành gia Ed White cũng được huấn luyện để thực hiện cuộc đi bộ ngoài không gian đầu tiên. Sergei Korolev, người phụ trách chương trình không gian của Nga, cho rằng họ vẫn có thể đánh bại Mỹ trong cuộc đua này.

Tàu Voskhod được điều chỉnh thiết kế từ một chỗ ngồi thành ba ghế ngồi. Thân tàu chật hẹp đến nỗi các phi hành gia phải tuân theo chế độ ăn kiêng ngặt nghèo để ngồi vừa chỗ.

Các kỹ sư cân nhắc mọi cách để tiết kiệm trọng lượng và không gian bên trong tàu. Do đó, cơ chế ghế an toàn tự phóng cũng bị gỡ bỏ, đồng nghĩa với việc nếu có trục trặc trong hai phút rưỡi sau khi phóng tàu, các phi hành gia sẽ không thể thoát ra ngoài được. Tàu cũng gắn tên lửa đẩy R-7 lớn hơn để đưa con người tới điểm xa nhất trong không gian lúc đó.


Các chuyên gia hoàn thiện tàu Voskhod. (Ảnh: Pinterest).

Chuyến bay đầu tiên của tàu Voskhod vào tháng 10/1964 diễn ra thành công. Tàu Voskhod 2 được hoàn thiện tại Baikonur Cosmodrome, Kazakhstan và được phóng vào sáng 18/3/1965, lập kỷ lục về tốc độ và độ cao trong việc đưa con người lên vũ trụ.

Khi tới quỹ đạo, phi hành gia Pavel Belyayev bắt đầu bơm khí vào khoang điều áp trong 7 phút, trước khi Alexei Leonov chui ra ngoài để thực hiện chuyến đi bộ ngoài không gian đầu tiên của nhân loại, chiêm ngưỡng Trái Đất từ độ cao 475km.

Chiếc camera do Leonov mang theo cho thấy ông có vẻ rất thoải mái khi thực hiện chuyến đi bộ ngoài không gian lịch sử. Nhưng trên thực tế, những bước chân đầu tiên ngoài vũ trụ không thuận lợi đến vậy. Leonov đã tự đẩy người ra khỏi tàu vũ trụ và ngay lập tức lộn nhào trong không trung, trước khi dừng lại nhờ sợi dây bảo hộ dài 5 mét.

Vài phút sau, ông phát hiện bộ đồ du hành phình lên bất thường trong môi trường chân không của vũ trụ. Bàn tay và bàn chân của ông trượt dần ra khỏi găng tay và ủng. Leonov nhận ra mình có thể sẽ không thể quay lại khoang điều áp chật hẹp trên tàu. Ông chỉ còn 5 phút trước khi con tàu đi vào vùng tối, khiến mọi thứ bên ngoài trở nên tối đen hoàn toàn.

Không thông báo về sự cố này với trung tâm điều khiển mặt đất, Leonov quyết định từ từ xả bớt không khí trong bộ đồ bảo hộ để áp suất bên trong giảm một nửa, dù ông có thể hứng chịu hậu quả của việc giảm áp đột ngột.

Biện pháp này phát huy hiệu quả và bộ đồ trở về kích cỡ ban đầu. Leonov quay vào khoang điều áp, nhưng lại thò đầu vào trước trong khi lẽ ra phải đưa phần chân vào trước. Do đó, ông phải chật vật tìm cách xoay người trong khoang điều áp chật hẹp. Nỗ lực này khiến nhiệt độ cơ thể của ông tăng lên gần chạm ngưỡng gây sốc nhiệt.

Cuối cùng, Leonov cũng vào được trong khoang tàu an toàn. Nhân loại lần đầu tiên chứng kiến cuộc đi bộ ngoài không gian và trung tâm điều khiển mặt đất gửi lời chúc mừng đến phi hành đoàn. Mãi về sau, Leonov mới tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn là trong bộ đồ bảo hộ của ông có một viên thuốc độc để tự sát, đề phòng trường hợp ông không thể quay lại tàu vũ trụ.


Alexey Leonov thực hiện thành công chuyến đi bộ ngoài không gian đầu tiên. (Ảnh: YouTube).

Tuy nhiên, nguy hiểm vẫn chưa hết. Khi Belyayev xả khí từ khoang điều áp, ông phát hiện cánh cửa không thể đóng kín hẳn. Hệ thống điều khiển tự động của con tàu cố gắng bù lại bằng cách tăng áp suất oxy trong khoang.

Trong môi trường đậm đặc oxy, bất cứ tia lửa nào cũng có thể gây ra một vụ hỏa hoạn khủng khiếp. Chuyện tương tự từng khiến Valentin Bondarenko thiệt mạng trong quá trình ông được đào tạo thành phi hành gia và sau này cũng giết toàn bộ phi hành đoàn trên tàu Apollo 1 năm 1967.

May mắn thay, không có tia lửa nào trên tàu Voskhod 2 lúc đó và các phi hành gia nỗ lực hạ thấp nhiệt độ và độ ẩm, làm chậm quá trình tăng áp suất oxy.

Mọi chuyện chưa dừng lại ở đó. Tàu Voskhod được trang bị hệ thống trở về Trái Đất tự động nhưng lại bị hỏng, buộc nhóm phi hành gia phải tự khởi động hệ thống bằng tay, điều chưa ai từng làm và khiến họ rất khó kiểm soát điểm tiếp đất. Họ quyết định thử hạ cánh xuống Taiga, một vùng rừng rộng lớn hoang vắng ở miền bắc nước Nga.

Con tàu chật chội đến nỗi sau khi khởi động quá trình trở về Trái Đất, hai phi hành gia phải mất đến 46 giây để quay lại ghế ngồi và khôi phục trọng tâm của tàu. 46 giây chậm trễ này làm thay đổi đường đi và khiến con tàu hạ cánh lệch 386km so với dự định. Khi Voskhod 2 bắt đầu phóng trở về, khoang thiết bị không tách ra, khiến con tàu lộn nhào cho đến khi dây nối giữa khoang đổ bộ và khoang thiết bị bốc cháy.


Đội cứu hộ gặp gỡ nhóm phi hành gia sau khi tàu Voskhod 2 hạ cánh. (Ảnh: Arquapetrarca).

Trong quá trình hạ thấp độ cao, tàu Voskhod 2 đã bay ngay trên Quảng trường Đỏ ở Moscow. "Chúng ta có thể hạ cánh ở đó nếu anh muốn", Leonov nói đùa với Belyayev. Con tàu sau đó bay xa hơn về phía bắc và cuối cùng tiếp đất vào 16h02 ngày 19/3 tại khu rừng phủ đầy tuyết trên dãy núi Ural.

Vì điểm hạ cánh lệch khỏi dự định ban đầu nên trung tâm điều khiển mặt đất không biết phi hành đoàn đang ở đâu. Các phi hành gia phải qua đêm trong rừng với nhiệt độ -25 độ C trong khi đợi trung tâm định vị được tín hiệu vô tuyến khẩn cấp truyền đi.

Leonov chia sẻ, bộ đồ phi hành gia của mình lúc đó đẫm mồ hôi và ông sụt đến 6kg sau chuyến bay. Các phi hành gia vừa vắt khô quần áo, vừa canh chừng chó sói đến khi nhóm cứu hộ tới vào ngày hôm sau. Nhưng khu rừng rậm rạp đến mức trực thăng phải hạ cánh cách nhóm phi hành gia tới 9km. Nhân viên cứu hộ phải trượt tuyết đến chỗ con tàu, mang theo quần áo ấm, thức ăn và máy quay.

Dù cả thế giới tung hô về thành công của chuyến đi, chuỗi sự cố có thể đã biến sứ mệnh này thành thảm kịch. Đây cũng là lý do Liên Xô quyết định hủy bỏ chương trình. Chuyến đi bộ ngoài không gian nổi tiếng của Leonov cũng chấm dứt thời kỳ Liên Xô dẫn đầu cuộc đua vũ trụ.

Cập nhật: 29/09/2017 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video