Mới đây, các nhà khoa học phát hiện thiên thạch bay ngang Trái đất ở khoảng cách 6 triệu km vừa qua hóa ra lại là hai vật thể.
Thiên thạch có tên YE5 2017 được ghi nhận lần đầu tiên vào ngày 21/12/2017 và bay gần Trái đất nhất vào ngày 21/6 vừa qua ở khoảng cách 6 triệu km (gấp 16 lần khoảng cách từ Trái đất tới Mặt trăng).
Mô phỏng hình dạng 2 thiên thạch bay ngang Trái đất cùng lúc - (Ảnh: NASA).
Khi quan sát bằng kính thiên văn ra đa, các nhà khoa học nhận thấy nó thật ra là một tập hợp hai vật thể dài khoảng 915m quay vòng quanh nhau với chu kỳ khoảng 20-24 giờ.
Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA cũng đã công bố những hình ảnh chi tiết về hệ thống vật thể này.
Trước đó, nhiều nhóm nghiên cứu cho rằng đây chỉ là một vật thể.
Thiên thạch đôi bay ngang Trái đất - (Ảnh: NASA)
Theo NASA, hai thiên thạch dù đi chung nhưng có bản chất rất khác nhau, nhất là về tỉ trọng, thành phần cấu tạo và hình dạng bề mặt vật thể.
Thông thường, rất khó để nhận thấy hai thiên thạch bởi tùy theo góc nhìn, người ta có thể thấy chúng như đang chồng lên nhau.
Đồng thời, không giống như những thiên thạch khác, cặp "song sinh" lần này phản chiếu rất ít ánh sáng mặt trời, do đó từ Trái đất nhìn vào rất tối.
"Phát hiện thiên thạch đôi lần này sẽ giúp chúng ta tìm hiểu thêm vì sao chúng được hình thành và hình thành như thế nào", NASA cho biết.
Những thiên thạch đôi bay ngay Trái đất là rất hiếm - (Ảnh: Daily Mail).
Các thiên thạch đôi chiếm gần 15% số thiên thạch có kích thước lớn hơn 200m bay ngang Trái đất trong lịch sử.
Các nhà khoa học cho rằng hệ thống thiên thạch đôi như thế sẽ không bay vụt qua Trái đất ít nhất trong vòng 170 năm tới.