Chuyện lạ xung quanh một khu mộ cổ

Việc khai quật khu mộ Gò Quê cho thấy nhiều điều lạ về văn hoá Sa Huỳnh: Ngoài chum, họ còn chôn người chết trong các huyệt đất.

Các nhà khảo cổ đang khai quật
Nền văn hóa Sa Huỳnh nổi tiếng và khá quen thuộc vì đã được phát hiện cách đây gần... 100 năm. Nhưng với những cuộc khai quật gần đây thì đã có khá nhiều hiện vật và phát hiện mới lạ. Một số những phát hiện mới lạ vừa được "bật mí" khi khai quật khu mộ Gò Quê vào đầu năm nay.

Chuyện lạ đầu tiên chính là sự phát hiện ra khu mộ này. Nếu như không có việc giải phóng mặt bằng xây dựng nhà máy đóng tàu thủy trong khu công nghiệp Dung Quất thì bà con trong làng chài Sơn Trà, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi chẳng thể nào ngờ được rằng, làng mình lại có một di tích cổ hơn 2.000 năm.

Khu mộ này nằm gọn trong lòng một quả gò, từ đỉnh gò đến các mộ táng có độ sâu tới 4 mét đất, không một công trình xây dựng dân dụng nào có thể chạm tới độ sâu này được.

Thông thường, các khu mộ chỉ được chôn nông khoảng 50 cm. Vậy hà cớ chi người Sa Huỳnh nơi đây mất công đào huyệt sâu như vậy để chôn người chết? Câu trả lời chỉ có được khi công trường khai quật kết thúc và phục dựng được cảnh quan ban đầu. Thì ra, lúc đầu gò ở đây không cao đến thế.

Người xưa cũng chôn mộ ở độ sâu như các nơi khác. Nhưng sau hơn 2.000 năm, một quả gò lớn đã vùi sâu chôn chặt cả khu mộ. Làm nên chuyện này chính là... gió. Khu vực mộ táng là nơi hứng gió quẩn từ vịnh đổ vào khá mạnh, các động cát như có chân ngao du khắp một khu vực rộng, đến thời hiện tại thì phủ hoàn toàn lên khu mộ xưa.

Chuyện lạ thứ hai là ở cách chôn cất của người xưa. Từ gần một thế kỷ phát hiện và nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh, các nhà khoa học vẫn quan niệm người Sa Huỳnh gắn liền với tục chôn cất trong mộ chum. Có thể có những ý kiến khác nhau về cách sử dụng chum.

Một ngôi mộ chum.

Ví dụ như chôn nguyên xác bỏ vào trong chum rồi đậy lại, cũng có ý kiến cho là thiêu xác rồi mới bỏ tro vào chum (hình thức hỏa táng). Có học giả còn đi xa hơn khi giả thuyết là trong chum chẳng hề có... xác chết nào cả mà chỉ là một cách chôn tượng trưng thôi. Vì người Sa Huỳnh gắn với biển cả, cuộc mưu sinh cũng lênh đênh theo các dòng hải lưu ven bờ, khi chết họ cũng gửi lại thân xác cho biển, chỉ đến khi vào bờ họ mới chôn các chum gốm và đồ tùy táng vào các động cát như một động thái tưởng nhớ người quá cố...

Dẫu nhiều ý kiến còn tranh luận nhưng dường như đều thống nhất ở một điểm: những chiếc chum gốm gắn liền với phong tục chôn cất của người Sa Huỳnh như một tiêu chí bất di bất dịch. Thậm chí một vài nơi như vùng cửa biển Sa Huỳnh, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi khi mới được phát hiện hồi đầu thế kỷ XX có la liệt chum gốm đến nỗi nhà khảo cổ học người Pháp H.Parmentier không còn từ nào để gọi ngoài từ “Bãi mộ chum Sa Huỳnh”.

Nhưng với những tài liệu gần đây thì không hẳn như vậy, mà điển hình là ở khu mộ Gò Quê. Ngoài chum, họ còn chôn người chết trong các huyệt đất. Đặt nằm người chết và đập vỡ đồ gốm, thậm chí đập cả những chiếc chum nguyên lấy mảnh để rải xung quanh thân. Tỉ lệ mộ đất và mộ chum ở đây là 13 mộ đất so với 18 mộ chum cho thấy người xưa có 2 hình thức chôn cất, đồ đạc trong mộ giống nhau, các mảnh gốm giống nhau.

Không nhiều lắm các khu mộ Sa Huỳnh có được cả hai cách chôn cất như vậy. Điều đó cũng góp phần phủ nhận giả thuyết về chuyện người Sa Huỳnh bỏ xác người chết xuống biển. Thực ra, họ có chôn người thân trong chum (thực nghiệm khoa học gần đây cho thấy chum gốm có thể bỏ lọt được người với điều kiện phải thu nhỏ tối đa hình hài như dáng nằm co trong bụng mẹ) và chôn người đặt nằm (chiều dài mộ cũng như đường viền các mảnh gốm rải phù hợp với kích thước chiều cao của người trưởng thành).

Chuyện lạ thứ ba là ở đồ tùy táng tại khu mộ Gò Quê. Các nhà khảo cổ đã phải ngạc nhiên khi thấy một loạt đồ đồng của văn hóa Đông Sơn ở đây, thậm chí có cảm tưởng như đang khai quật một di tích của văn hóa Đông Sơn thực thụ, không trộn lẫn vào đâu được. Có thể kể đến là: 6 chiếc rìu đồng chữ nhật có hoa văn hình học, rìu xòe cân có họng hình đuôi cá, lưỡi giáo hình lá mía, dao găm có chắn tay hình chữ T, tấm che ngực có hoa văn xoắn ốc.

Điều đó chứng tỏ, từ bấy giờ, hai khối tộc người tổ tiên của Việt và người Chăm đã có sự giao lưu, trao đổi hàng hóa. Trước đây, với những tài liệu có được, nhà khảo cổ Pháp, bà M.Colani cho rằng đồ đồng Đông Sơn chỉ mới giao lưu tới vùng Cương Hà và Cổ Giang (Quảng Bình). Nay thì đồ đồng Đông Sơn còn vươn xa hơn nữa ít ra vào tận bắc Quảng Ngãi, trung tâm của nền văn hóa Sa Huỳnh.

Chuyện lạ thứ tư: lần đầu tiên, các nhà khảo cổ tìm được một hiện vật độc đáo. Đó là thanh gươm có lưỡi bằng sắt nhưng chuôi lại bằng đồng. Những hiện vật làm bằng cả hai thứ kim loại này ít được phát hiện ở nước ta và được coi là một loại “đồng sắt tiếp hợp”. Thanh gươm được chế tác hết sức tinh tế, nhất là ở đoạn chuôi đồng gồm nhiều ống và vòng ghép lại bao lõi gỗ ở trong.

Trong cuộc khai quật này còn có thêm một chiếc giáo cũng được làm từ 2 kim loại như vậy nữa. Đáng lưu ý là thanh gươm hội tụ được cả kỹ nghệ luyện sắt trong một mộ chum cũng cho thấy người cổ nơi đây khá coi trọng nguyên liệu luyện sắt và đã thực sự biết luyện sắt tại chỗ. Sản phẩm và bằng chứng nghề luyện sắt đã phản bác nhiều quan niệm trước đây cho rằng người Sa Huỳnh có được đồ sắt là do du nhập từ nơi khác tới.

Chuyện lạ thứ năm là vấn đề ăn mặc của người xưa. Nhiều sử gia căn cứ vào sử ký Tư Mã Thiên cho rằng, người thời văn hóa Đông Sơn ở ta không biết mặc quần áo. Nhưng với những phát hiện khảo cổ mới đây ở khu mộ Gò Quê đã cho thấy người xưa đã biết mặc những trang phục. Các nhà khoa học đã tìm được dọi xe chỉ bằng gốm để xe sợi dệt vải.

Dấu vết vải còn tìm thấy trên một chiếc rìu đồng còn nguyên sợi với cách dệt đơn giản nhất, một sợi ngang xen với một sợi dọc. Nhiều khả năng là sợi làm từ một loại sợi gai như đã từng có một số mẫu sợi tương tự được phân tích trước đây. Quần áo lại còn được nhuộm chàm. Dấu vết màu chàm xanh còn in lại trên nhiều đồ đồng.

Thanh gươm cán đồng, lưỡi sắt trong hố khai quật.


Lần đầu tiên các nhà khảo cổ đã tìm được một bộ khuy áo bằng đồng trong khu mộ Gò Quê. Khuy áo gồm 10 chiếc không khác khuy áo hiện đại, hình tròn có 4 lỗ để dùng chỉ khâu vào áo. Dấu vết chỉ vẫn còn lằn lên giữa các lỗ này. Vậy là, lần đầu tiên chúng ta được biết đến các bằng chứng rõ rệt nhất về một khía cạnh văn minh cách đây hơn 2.000 năm của người xưa ở ta: Khía cạnh ăn mặc đẹp.

Chuyện lạ thứ sáu là vấn đề trang sức. Trong nhiều khu mộ Sa Huỳnh, người ta tìm được khá nhiều hạt cườm thủy tinh nhiều màu sắc và các hạt chuỗi bằng đá mã não màu đỏ long lanh. Khu mộ Gò Quê cũng tìm được nhiều cườm và hạt chuỗi như vậy. Đáng ngạc nhiên là nhiều vùng núi các tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam có các dân tộc vẫn còn đang dùng hạt cườm và hạt chuỗi giống hệt.

Đồng bào Hơ Rê ở huyện Batơ còn đeo trang sức như người Sa Huỳnh xưa. Đồng bào ở hai huyện Hiên và huyện Rằng cũng chuộng trang sức mã não đến nỗi gần đây, người dân vẫn đổi hai, ba con trâu để lấy một chuỗi mã não hình thoi giống của văn hóa Sa Huỳnh. Dường như dấu ấn thời gian của văn hóa Sa Huỳnh còn ngưng đọng ở các đồ trang sức đeo trên cổ và trên tay của các cô gái dân tộc vùng cao.

Điều đó cũng gợi mở cho các nhà khoa học những giả thiết về mối quan hệ giữa người cổ Sa Huỳnh và nhiều nhóm tộc người hiện đại, mối quan hệ giữa các văn hóa miền ven biển và miền núi trong suốt tiến trình văn hóa hàng ngàn năm ở khu vực miền Trung nước ta.

Văn hóa Sa Huỳnh ngày càng có nhiều phát hiện mới lạ trên địa bàn gốc của nó. Càng ngày các nhà khoa học càng thấy được sức sống mãnh liệt, sức sáng tạo đáng ngạc nhiên thể hiện ở các di vật độc đáo của cư dân Sa Huỳnh. Họ thực sự làm chủ biển Đông và cả một vùng ven biển rộng lớn. Họ thường lập làng ở các cửa biển lớn như cửa Sa Cần, nơi sông Trà Bồng đổ ra biển (nơi có địa điểm Gò Quê) cửa Sa Kỳ (nơi có địa điểm Bình Châu), cửa Sa Huỳnh. Một cửa biển lớn nữa là cửa đại, nơi sông Trà Khúc chảy ra biển cũng hứa hẹn là nơi đậm đặc di tích Sa Huỳnh.

Bên cạnh một loạt làng ven biển, người Sa Huỳnh còn lập làng ở ngoài đảo xa. Huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi (nơi mà sau này trở thành điểm xuất phát những đội hải thuyền nước ta khai thác quần đảo Hoàng Sa) cũng là nơi có cư dân Sa Huỳnh lập làng lập xóm đông vui, là một bằng chứng cho thấy người Sa Huỳnh còn làm chủ thực sự các đảo xa bờ từ khá lâu trước khi các triều đình phong kiến Việt Nam lập các địa danh hành chính và hành xử chủ quyền trên các vùng đảo.

Theo CAND
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video