Clip rùng mình từ ESA: Trái đất trong khoảnh khắc "đảo ngược"

Khoảnh khắc Bắc Cực và Nam Cực của Trái đất đổi chỗ cho nhau đã được các nhà khoa học châu Âu mô tả lại bằng một đoạn âm thanh rùng rợn.

Trong đoạn clip vừa được công bố bởi Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), các cực từ Trái đất chậm chạp đổi chỗ cho nhau giữa loạt âm thanh chói tai giống như tiếng đá, gỗ và kim loại va chạm liên tục.

Theo Science Alert, nhóm nghiên cứu từ Đại học Kỹ thuật Đan Mạch và Trung tâm Nghiên cứu khoa học Trái đất Đức đã sử dụng dữ liệu từ vệ tinh Swarm của ESA để mô phỏng lại khoảnh khắc Trái đất đảo ngược cực từ và biến dữ liệu đó thành âm thanh.


Khoảnh khắc Trái đất đảo ngược cực từ được "tua nhanh" trong đoạn clip mà các nhà khoa học châu Âu tạo nên - (Clip: ESA).

Được tạo ra bởi các kim loại lỏng xoáy trong lõi hành tinh, từ trường Trái đất có thể vươn tới hàng chục đến hàng trăm ngàn km trong không gian.

Nó tạo thành cái gọi là từ quyển, bảo vệ chúng ta bằng cách làm chệch hướng các hạt năng lượng Mặt Trời, ngăn chúng phá hủy bầu khí quyển.

Theo hướng hiện tại, các đường sức từ tạo thành các vòng khép kín hướng từ Nam lên Bắc trên bề mặt hành tinh, rồi từ Bắc xuống Nam sâu bên trong.

Tuy nhiên, thỉnh thoảng các đường sức từ này lại đảo ngược cực một cách ngẫu nhiên. Đó là hiện tượng đảo ngược cực từ, đã từng xảy ra nhiều lần trong lịch sử hành tinh.

Nếu điều này xảy ra một lần nữa ngày nay, kim la bàn chỉ hướng Bắc của chúng ta sẽ chỉ đến Nam Cực.


Từ trường Trái đất hỗn loạn khi đảo ngược cực từ - (Ảnh đồ họa: NASA).

Sự kiện đảo ngược cực từ cuối cùng xảy ra cách đây khoảng 41.000 năm, để lại dấu ấn trong dòng dung nham Laschamps ở Pháp, nên còn được gọi là sự kiện Laschamps.

Khi đó từ trường suy yếu chỉ còn 5% sức mạnh hiện tại và cho phép một lượng lớn tia vũ trụ đi vào bầu khí quyển của Trái đất.

Theo một nghiên cứu được công bố đầu năm nay, băng và trầm tích biển lưu giữ các dấu hiệu đồng vị cho thấy sự bắn phá của các tia vũ trụ trong thời kỳ này cao bất thường, ví dụ lượng đồng vị berili-10 tăng gấp đôi trong sự kiện Laschamps.

Những nguyên tử biến đổi này được hình thành khi các tia vũ trụ phản ứng với bầu khí quyển của chúng ta, ion hóa không khí và thiêu đốt tầng ozone.

Điều này được cho là gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu, liên quan mật thiết đến sự tuyệt chủng của các loài động vật lớn ở Úc cũng như những thay đổi trong việc sử dụng hang động của con người tiền sử.

Nhà địa vật lý Sanja Panovska từ Trung tâm Nghiên cứu khoa học Trái đất Đức cho biết việc hiểu được những sự kiện cực đoan này rất quan trọng để dự đoán khả năng chúng tái diễn cũng như những ảnh hưởng tiềm tàng đến thế giới hiện tại.

Phải mất 250 năm để cú đảo ngược Laschamps diễn ra và những bất thường duy trì khoảng 440 năm mới ổn định trở lại.

Trong kịch bản khả quan nhất, từ trường Trái đất có thể vẫn giữ được khoảng 25% mức độ hiện tại trong cú đảo ngược cực từ tiếp theo.

Cập nhật: 22/10/2024 NLĐ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video