Đất hiếm trên thực tế… không thực sự hiếm. Khai thác đất hiếm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong khi lợi ích kinh tế không cao. Nhiều nhà khoa học Việt Nam cho biết .
Đất hiếm thực sự không hiếm. Ảnh: Internet.
Không quá kỳ vọng
Theo giới khoa học, đất hiếm… không thực sự hiếm! Dù có thể sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp, nhưng lượng đất hiếm cần dùng không nhiều, do đó giá trị xuất khẩu không cao, nhất là xuất khẩu dạng thô như Việt Nam sắp xuất cho Nhật Bản. Nghiên cứu của Phó Liên Đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất xạ hiếm Bùi Tất Hợp cùng cộng sự chỉ ra rằng, tổng trữ lượng đất hiếm trên thế giới khoảng 99 triệu tấn, trong khi mỗi năm thế giới sử dụng khoảng 125.000 tấn.
Việt Nam được đánh giá là nước có trữ lượng đất hiếm lớn, song chưa có con số chính xác. Kết quả nghiên cứu, tìm kiếm từ năm 1958 đến nay của PGS Hợp đã phát hiện được nhiều điểm tụ khoáng đất hiếm ở Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe, Đông Pao (Lai Châu), Mường Hum (Lào Cai) và Yên Phú (Yên Bái). Ngoài 5 tụ khoáng gốc trên, dọc bờ biển miền Trung cũng có quặng monazit, xenotim kèm ilmenit trong sa khoáng. Theo dự báo, Việt Nam có tài nguyên đất hiếm trên 17 triệu tấn và trữ lượng gần 1 triệu tấn
Việt Nam đã nghiên cứu sử dụng đất hiếm trong các lĩnh vực nông nghiệp, chế tạo nam châm vĩnh cửu, biến tính thép, hợp kim gang, thủy tinh, bột màu, chất xúc tác trong xử lý khí thải ô tô... nhưng hiện vẫn dừng lại ở quy mô phòng thí nghiệm và bán công nghiệp.
Hằng năm, Việt Nam mới chỉ khai thác nhỏ, cỡ vài chục tấn quặng bastnaesit ở Đông Pao và vài ngàn tấn quặng monazit hàm lượng 35%-45% R203 ở sa khoáng ven biển miền Trung để bán theo đường tiểu ngạch. Do sử dụng không nhiều nên đến nay Việt Nam vẫn đang dừng ở mức “vừa khảo sát vừa thăm dò” loại khoáng sản này.
Cũng theo tính toán của giới khoa học, giá thị trường hiện là 800 USD/tấn đất hiếm, song đây được đánh giá là con số không đáng kể, nếu tách riêng các nguyên tố có trong đất hiếm để bán, giá sẽ tăng lên nhiều lần, khoảng 1 triệu USD/tấn nguyên tố. Tuy nhiên, trình độ khoa học kỹ thuật của Việt Nam đến nay chưa thể thực hiện được. Cũng khó có khả năng Nhật Bản sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng nhà máy tinh chế đất hiếm bởi chi phí đầu tư quá lớn, trong khi Nhật đã có nhà máy tại nước họ.
Một nhà khoa học thuộc Tổng Hội Địa chất Việt Nam cho biết, không nên kỳ vọng quá nhiều vào giá trị kinh tế của đất hiếm. “Nhật Bản một năm cũng chỉ dùng khoảng 7.000 tấn đất hiếm. Tính toán sẽ thấy, không nên kỳ vọng vào giá trị kinh tế có thể mang lại cho ngân sách nhà nước từ loại khoáng sản này”.
Nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ
Các nhà khoa học cũng cảnh báo nguy cơ ô nhiễm môi trường trong quá trình khai thác đất hiếm. Đặc biệt là nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ do trong đất hiếm có chứa nguyên tố phóng xạ.
PGS. TS Nguyễn Xuân Cự - ĐH KHTN, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết, đất hiếm là loại đất có chứa các nguyên tố kim loại rất độc hại, trong đó có nguyên tố phóng xạ. Ở quy mô khai thác lớn, nếu không đảm bảo về công nghệ và quản lý không tốt sẽ có nguy cơ phát tán chất phóng xạ vào trong đất, nước, không khí, và gây hại trực tiếp tới sức khỏe người khai thác. Do nhu cầu thế giới không cao, việc khai thác đất hiếm càng cần phải được nghiên cứu thấu đáo vì nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Đất hiếm được dùng rất rộng rãi, nhất là trong các ngành công nghệ cao, như: công nghệ thực phẩm, y tế, đánh bóng thủy tinh, sứ gốm, máy tính, màn hình tivi màu, chiếu sáng, ô tô thân thiện môi trường, nam châm, pin, xúc tác lọc hóa dầu, tên lửa, ra đa, công nghiệp hạt nhân… |
Tại Nậm Xe, nơi được xác định là có trữ lượng đất hiếm lớn, các nhà khoa học Việt Nam cũng tìm thấy vùng không an toàn phóng xạ. Nghiên cứu của tác giả Nguyễn Văn Tiến, Nguyễn Văn Tự và cộng sự thuộc Liên đoàn địa chất xạ hiếm cho thấy hàm lượng urani, thozi... trong đất và nước tại Nậm Xe cao.
“Bất cứ khoáng sản nào khi khai thác lên cũng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Do đó, cần hết sức cân nhắc giữa lợi ích kinh tế vốn không lớn và khả năng gây ô nhiễm môi trường khi khai thác đất hiếm” - PGS Cự nói.