Các nhà khoa học quốc tế đang xây dựng cỗ máy gia tốc hạt mới cực mạnh nằm trong đường hầm dạng vòng tròn có chu vi 80-100km.
Hơn 500 nhà khoa học trên khắp thế giới tập trung tại Berlin, Đức, trong tuần này để cùng nhau nghiên cứu, phát triển máy gia tốc hạt mới có kích thước gấp 3 lần và mạnh hơn gấp 7 lần so với Máy gia tốc hạt Lớn (LHC) của Tổ chức nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN), Futurism hôm 12/6 đưa tin.
Máy gia tốc hạt mới dự kiến được xây dựng và phát triển trong hàng chục năm. Đây là phiên bản LHC 2.0 mang tên Máy gia tốc Vòng tròn Tương lai (FCC). Các nhà khoa học hy vọng FCC sẽ mở ra một kỷ nguyên mới trong lĩnh vực nghiên cứu vật lý.
Máy gia tốc Vòng tròn Tương lai (FCC) nằm ngay bên cạnh LHC. (Ảnh: CERN).
LHC nằm trong một đường hầm hình tròn có chu vi 27km tại biên giới Pháp và Thụy Sĩ. Nó được thiết kế để thực hiện nhiều thí nghiệm va chạm trực diện ở tốc độ cao giữa các hạt proton. FCC sẽ được xây dựng ngay bên cạnh LHC, với chu vi đường hầm hình tròn lên tới 80-100km.
FCC có các nam châm khổng lồ mạnh gấp đôi so với LHC, đủ khả năng để khiến các chùm hạt va chạm vào nhau với năng lượng 100 nghìn tỷ electron Volt (eV), tương đương mức gia tốc hạt nhận được từ 10 triệu cú sét đánh.
FCC hứa hẹn giúp giới khoa học phát hiện thêm nhiều hạt bí ẩn mới thậm chí còn nặng hơn hạt boson Higgs, loại hạt cơ bản làm nền tảng cho sự hiểu biết của chúng ta về quy luật tự nhiên được LHC phát hiện vào năm 2012.
LHC sẽ được nâng cấp đáng kể vào giữa thập niên 2020, cho phép tăng tốc độ va chạm và tính chính xác của các phép đo. Sau khi nâng cấp, nó sẽ được đổi tên thành Máy gia tốc hạt Lớn Độ sáng Nâng cao (HL-LHC).
Đầu năm 2017, các nhà vật lý làm việc với LHC công bố phát hiện 5 hạt hạ nguyên tử mới. Chúng là một trong những dạng khác nhau của hạt Omega-c baryon. Phát hiện này làm sáng tỏ sự vận hành của lực tương tác mạnh, gắn kết các thành phần bên trong nguyên tử.