Có nên làm mát Trái Đất bằng cách bắt chước sự phun trào núi lửa?

Một số nhà khoa học cho rằng, có thể phun aerosol vào bầu khí quyển để làm mát Trái Đất. Song, một nghiên cứu mới đây lại cho thấy quá trình này là lợi bất cập hại.

Can thiệp vào khí hậu

Một báo cáo mới cho thấy: việc cố ý thay đổi khí hậu trên quy mô lớn để chống lại những ảnh hưởng của quá trình nóng lên toàn cầu - có thể gây ra những ảnh hưởng không tốt trên chính hành tinh của chúng ta. Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học tại Trường Đại học Exeter, Vương quốc Anh chỉ ra rằng, việc can thiệp khí hậu ở một bán cầu sẽ dẫn đến những hậu quả tiêu cực ở bán cầu khác. Nghiên cứu của nhóm nhà khoa học đã được xuất bản trên tạp chí Nature Communications.

Ý tưởng về việc can thiệp khí hậu thật ra khá đơn giản. Bằng cách bơm các hạt aerosol vào bầu khí quyển, một phần ánh sáng mặt trời sẽ phản xạ vào trong vũ trụ, qua đó làm mát bề mặt của Trái Đất. Quá trình này tương tự như aerosol được thải vào bầu khí quyển sau khi có một vụ phun trào núi lửa.

Trong nghiên cứu của mình, các nhà khoa học ở Trường Đại học Exeter đã thử nghiệm các mô phỏng nâng cao bằng cách sử dụng một mô hình kết hợp đại dương - không khí. Kết quả thí nghiệm cho thấy: việc bơm aerosol vào Bắc bán cầu sẽ làm giảm số lượng bão và áp thấp nhiệt đới ở Bắc Đại Tây Dương. Tuy nhiên, nếu quy trình này được thực hiện ở Nam bán cầu thì tỉ lệ bão nhiệt đới lại tăng lên. Ngoài ra, nếu số lượng lốc xoáy ở Bắc Đại Tây Dương giảm xuống thì vô tình lại gây ra hạn hán ở Sahel - một khu vực của châu Phi.

Nhà nghiên cứu Anthony Jones - tác giả chính của bài nghiên cứu cho biết: "Kết quả của chúng tôi khẳng định rằng can thiệp khí hậu là một chiến lược mang tính rủi ro cao. Chúng có thể đem lại lợi ích cho một số khu vực, nhưng những nơi khác thì phải gánh chịu hậu quả. Điều quan trọng vào thời điểm này là các nhà hoạch định chính sách phải thực hiện công việc can thiệp khí hậu này một cách nghiêm túc và có những hành động nhanh chóng để xây dựng các quy định khả thi”.

Những phép tính đầy rủi ro

Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà khoa học đều đồng ý với những nhận định của nhà nghiên cứu Jones về biện pháp can thiệp khí hậu. Ông Ken Caldeira - một nhà khoa học khí tượng thuộc Viện Khoa học Carnegie tin rằng: nếu dựa trên nền tảng khoa học cơ bản, quá trình này không hề có hại.

"Nếu chúng ta thực sự tin tưởng vào các mô hình và chỉ lo lắng về các hệ thống khí hậu thực tế - chứ không phải những hậu quả về mặt xã hội và chính trị, thì tốt nhất là cứ làm thôi. Lý do khiến chúng ta chần chừ đó là do phải cân nhắc những hậu quả không lường trước được về xã hội và chính trị”, ông Ken Caldeira nói.


Cân nhắc khi sử dụng biện pháp can thiệp khí hậu. (Ảnh: Internet).

Cũng theo nhà khoa học khí tượng Caldeira, nếu quá trình can thiệp khí hậu là một giải pháp tuyệt diệu có thể nhanh chóng giải quyết tình trạng nóng lên toàn cầu, nhân loại sẽ không có nhiều lý do để thay đổi cách cư xử “tàn phá thiên nhiên” của họ. Đây là một phương pháp tạm thời chứ không phải là phương tiện để giải quyết các vấn đề cơ bản.

Ông Dennis L. Hartmann - Giáo sư khoa Nghiên cứu khí quyển thuộc Trường Đại học Washington, nhấn mạnh thêm một điều rằng: thực tế quá trình can thiệp khí hậu không phải là một giải pháp nhanh chóng để chống lại biến đổi khí hậu.

"Quản lý bức xạ mặt trời phải được duy trì và cải thiện liên tục để bù lại sự gia tăng của khí nhà kính. Nếu việc quản lý bức xạ mặt trời bị ngưng vì bất kỳ lý do nào thì quá trình nóng lên nhanh chóng sẽ dẫn đến những hậu quả vô cùng tàn khốc”, ông nói.

Nhưng theo ông Caldeira, nếu chỉ thực hiện biện pháp can thiệp khí hậu một cách đơn lẻ thì sẽ không có khả năng gây ra thảm họa trên hành tinh này. Nếu chúng ta tăng lượng vật chất được đưa vào bầu khí quyển qua vụ núi lửa Pinatubo phun trào vào năm 1991 và năm 2100 thì có thể bù đắp lại mức độ nóng lên toàn cầu trong thế kỷ này. Ông cũng lưu ý rằng vụ phun trào núi lửa đó không gây ra sự hỗn loạn về mặt khí hậu.

Biện pháp tốt nhất chính là cảnh báo con người về những hành động ảnh hưởng đến môi trường của họ và thực hiện một số thay đổi cần thiết. Tuy nhiên, biện pháp này không dễ dàng cũng không hề nhanh chóng để thực hiện!

Aerosol là hợp phần quan trọng của khí quyển Trái Đất với những hạt chất rắn, lỏng… lơ lửng trong không khí như muội than của núi lửa, muối biển, chất thải công nghiệp và cả vi khuẩn, virus... Aerosol thường được coi là những bụi bẩn, ô nhiễm không khí, không tốt cho sức khỏe cần phải loại trừ.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của cơ quan Khí tượng Anh, các hạt Aerosol có tác dụng làm mát không khí bởi chúng có khả năng phản xạ một phần ánh sáng mặt trời vào trong vũ trụ, các hạt này cũng khiến những đám mây trở nên trắng hơn.

Cách đây 200 năm, núi lửa khổng lồ Mount Tambora phun trào tại Indonesia đã phun hàng trăm triệu tấn aerosol vào tầng bình lưu. Chúng giống như một tấm chăn bao phủ toàn cầu, khiến nhiệt độ toàn cầu giảm mạnh. Tại châu Mỹ và châu Âu, năm 1816 được biết là một năm không có mùa hè.

Cập nhật: 27/11/2017 Theo khampha
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video