Cơ sở bí mật chế tạo bom nguyên tử đầu tiên của Trung Quốc

Nhà máy 221 từng là một cơ sở tuyệt mật, nơi chế tạo ra những vũ khí hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc.

Nằm giữa vùng cao nguyên ở tây bắc Trung Quốc là tàn tích của một thành phố hẻo lánh bị xóa khỏi bản đồ từ năm 1958. Những xưởng cơ khí rệu rã, boongke trống không và các khu ký túc xá bỏ hoang là những gì Nhà máy 221 còn sót lại.


Mô hình tên lửa được đặt tại Nhà máy 221, cơ sở bí mật trên cao nguyên hẻo lánh ở phía tây bắc Trung Quốc, nơi chế tạo ra những vũ khí hạt nhân đầu tiên của nước này. (Ảnh: New York Times).

Trên một đồng cỏ núi cao tên Kim Ngân Than ở tỉnh Thanh Hải, hàng nghìn người chăn thả gia súc Tây Tạng và Mông Cổ từng bị chuyển đi để xây dựng một thành phố bí mật cho kho vũ khí hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc, theo New York Times.

"Nó hoàn toàn bí mật, bạn phải có giấy ra vào", ông Pengcuo Zhuoma, 56 tuổi, người chăn gia súc Mông Cổ sống gần các nhà xưởng, cho hay. Gia đình ông từng cung cấp thịt và sữa cho những nhà khoa học tại Nhà máy 221. "Bạn phải dán miệng lại, không được phép nói về nó".

Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi vào những năm 1990 khi nơi ngày nay được mệnh danh là "Thành phố nguyên tử" này trở thành biểu tượng về lòng yêu nước, là địa điểm tưởng niệm các nhà khoa học và nhân viên từng dốc sức làm việc cho dự án Nhà máy 221 dù đối mặt với những điều kiện khắc nghiệt của vùng đất cao hơn 3.300m so với mực nước biển.


Bên trong Bảo tàng Thành phố Nguyên tử. (Ảnh: New York Times).

Một bảo tàng, hiện chưa cho phép người nước ngoài tham quan, trưng bày những hiện vật và cung cấp thông tin cho biết vũ khí năm xưa được chế tạo chủ yếu nhằm chống lại những nguy cơ đe dọa Trung Quốc từ Mỹ và Liên Xô.

Họ đã chế tạo ra bom nguyên tử đầu tiên của Trung Quốc, phát nổ vào năm 1964, và sau đó là bom nhiệt hạch đầu tiên, thử nghiệm năm 1967. Họ cũng góp phần phát triển cả tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Ngày nay, những người từng tham gia dự án vẫn tự hào khoe về cách mà họ đã giúp Trung Quốc xây dựng lá chắn hạt nhân.

Dù những cống hiến của các nhà khoa học đã được công nhận, phần còn lại của quá khứ nơi đây vẫn chưa được công bố. Những người từng làm việc cho dự án kể họ không được bảo vệ để chống lại bức xạ trong các nhà máy hạt nhân. Họ cũng không được chăm sóc hiệu quả sau khi lâm bệnh, đa phần là ung thư.

"Đằng sau hào quang của việc chế tạo thành công hai quả bom và phóng vệ tinh, không ít người đã phải hy sinh. Phần lớn sự hy sinh đó là không cần thiết", ông Wei Shijie, 76 tuổi, nhà vật lý đã nghỉ hưu từng làm việc cho Nhà máy 221 trong những năm 1960, cho hay.


Cao điểm, Nhà máy 221 có tới 18 xưởng, phòng thí nghiệm và các tòa nhà nằm rải rác trên một diện tích rộng gần 570km2. (Ảnh minh họa: New York Times).

Vẻ đẹp của Kim Ngân Than từng được ngợi ca trong các bài hát và một bộ phim từ năm 1953. Nhưng sau năm 1958, Kim Ngân Than bỗng biến mất khỏi bản đồ. Các nhà khoa học Trung Quốc và cố vấn Liên Xô, những người đã giúp Trung Quốc thực hiện chương trình hạt nhân từ lúc còn phôi thai cho đến thời điểm hai cường quốc chia rẽ vào năm 1959, đã chọn nơi này làm địa điểm đặt dự án.

Theo tài liệu từ bảo tàng Nhà máy 221, những người chăn gia súc trên đồng cỏ Kim Ngân Than đã tự nguyện rời đi, được nhà nước hỗ trợ và cấp cho hàng nghìn con cừu. Nhưng nhiều người nói đây không phải toàn bộ câu chuyện, một số động thái kháng cự đã diễn ra.

Hàng nghìn nhà khoa học, kỹ thuật viên và binh sĩ sau đó đổ về Dự án 221. Lúc cao điểm, Nhà máy 221 có tới 18 xưởng, phòng thí nghiệm và các tòa nhà nằm rải rác trên một diện tích rộng gần 570 km2 cùng 30.000 nhà khoa học, công nhân và bảo vệ.

Cập nhật: 18/10/2018 Theo VNE
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video