Trạm vũ trụ có kích thước bằng 1/3 trạm ISS, thuộc chương trình không gian, dự kiến được hoàn thành vào năm 2022.
Trạm vũ trụ mới có hình chữ T, bao gồm một module lõi ở trung tâm và các module phòng thí nghiệm nằm hai bên, cung cấp khoảng 160m3 không gian bên trong.
Hai phi hành gia Trung Quốc trên trạm Thiên Cung 2 vào ngày 19/10/2016. (Ảnh: Space).
Trong nhiệm vụ đầu tiên dự kiến khởi động vào tháng 4, Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) sẽ sử dụng tên lửa Trường Chinh 5B để đưa "phiên bản thử nghiệm" của tàu vũ trụ mới - được thiết kế có thể chở phi hành đoàn gồm 6 người - lên quỹ đạo. Vụ phóng chỉ mang tính chất thử nghiệm, chưa chở người hay bất kỳ mảnh ghép nào của trạm vũ trụ tương lai.
Khác với hai trạm vũ trụ trước đây của Trung Quốc (Thiên Cung 1 và 2), cần cung cấp nước sinh hoạt từ Trái Đất, trạm mới có tự tạo ra nước sạch bằng cách thu hồi nước tiểu và hơi nước trong hơi thở của các phi hành gia để lọc và tái chế. Trạm cũng được trang bị thêm máy móc để sản xuất oxy bổ sung trong module, theo Tân Hoa Xã.
Khi đi vào hoạt động, trạm vũ trụ thế hệ tiếp theo của Trung Quốc sẽ cung cấp môi trường thí nghiệm và nghiên cứu cho nhiều lĩnh vực, từ thiên văn học, vật lý cơ bản đến khoa học đời sống. Nó cũng được lên kế hoạch để thực hiện các quan sát không gian thông qua một kính viễn vọng quang học đặt bên trong một tàu vũ trụ bay cùng quỹ đạo.
Trạm không gian đầu tiên của Trung Quốc, Thiên Cung 1, ra mắt vào năm 2011 với mục đích làm cơ sở cho việc thử nghiệm phát triển các trạm không gian có kích cỡ lớn hơn trong tương lai. Ban đầu, nó dự kiến được tháo dỡ vào năm 2013 nhưng mất kiểm soát và cuối cùng bị đốt cháy trong bầu khí quyển Trái Đất bảy năm sau đó.
Trạm kế nhiệm Thiên Cung 2 được phóng lên vào năm 2016 đã giúp Trung Quốc đạt được nhiều thành tựu quan trọng, trong đó có hai lần đón phi hành đoàn vào tháng 10 và 11/2016. Tuy nhiên, trạm cũng không được thiết kế để hoạt động vĩnh viễn trên quỹ đạo. Nó đã rơi trở lại Trái Đất và đâm xuống Nam Thái Bình Dương vào ngày 19/7/2019.