Loài cóc khổng lồ có tên khoa học Bufo marinus được nhập vào Australia cách đây 70 năm để chống lại nạn sâu rầy ở cây mía đường hiện sẽ trở thành một vấn nạn đối với hệ động thực vật địa phương do đà tăng trưởng quá nhanh và quá nhiều của chúng, theo tạp chí Nature số ra ngày 16-2.
Loài cóc này có da vàng với trọng lượng có thể đạt tới 2kg/con và là loài lưỡng cư lớn nhất thế giới có nguồn gốc từ Antilles. Chúng có độc tố, đẻ từ 5.000 - 10.000 trứng/năm và còn được gọi là cóc trâu .
Theo nhóm nghiên cứu của nhà động vật học Richard Shine thuộc trường đại học Sydney, những con cóc đầu tiên được nhập vào Australia để diệt côn trùng phá hoại cây mía đường. Nhưng với những cặp chân to cho phép chúng vươn tới những vùng đất mới rất nhanh. Nhiều nghiên cứu cho thấy loài cóc trâu đã phát triển trên diện tích hơn 1.000 km2, tấn công các hệ động vật địa phương khiến từ nhiều loài lưỡng cư khác đến loài bò sát và cả loài gậm nhấm bị xoá sổ tại những khu vực có chúng.
Thậm chí, các nhà khoa học còn khẳng định các thế hệ sau của cóc trâu còn có đôi chân dài và to hơn thế hệ trước. Nhờ đó, chúng đã di chuyển trên lộ trình dài 1,8 km chỉ trong một đêm
Trước sự thay đổi hình thái nhanh chóng của cóc trâu, các nhà khoa học cảnh báo chúng sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh những vùng đất mới, sau đó tấn công các sinh vật tại chổ và việc mất cân bằng hệ sinh thái địa phương chỉ còn là vấb đề thời gian.
ĐỨC TRƯỜNG