"Cơn lốc tuyệt chủng" là tên gọi để chỉ khu rừng nhiệt đới Atlantic của Brazil, nơi đang bị tàn phá nghiêm trọng bởi các hoạt động của con người.
Đôi khi sẽ là một thách thức cho các khoa học gia khi muốn tìm hiểu rõ những hệ thống sinh thái rộng lớn tại những khu vực nhạy cảm trên hành tinh đang bị đe doạ đến mức như thế nào.
“Cơn lốc tuyệt chủng” là tên gọi để chỉ khu rừng nhiệt đới Atlantic của Brazil - một trong những hệ thống rừng quan trọng nhất của thế giới. Thật khó khăn dù chỉ là để xác định khu rừng đã từng vô cùng rộng lớn này giờ đây bị biến đổi như thế nào. Tính từ kỷ nguyên thuộc địa hoá trong thế kỷ 16, khu rừng đã giảm diện tích từ 1,1 triệu kilomet vuông xuống chỉ còn 0,143 kilomet vuông. Nguyên nhân của sự tàn phá không gì khác ngoài những hoạt động của con người, mà đa phần là từ hoạt động canh tác và khai thác gỗ.
Một con khỉ nhện lông mượt được chụp ở rừng Atlantic vào năm 2011. (Ảnh: Mariana Landis).
Một khảo sát mới về mức đa dạng sinh học của khu vực này hiện tại đã đem lại những kết quả gây sốc. Theo báo cáo của Business Insider, hơn một nửa số loài thú có vú cận nhiệt đới sinh sống trong khu rừng đã bị quét sạch.
“Những khu vực sinh sống của các loài động vật đã bị thu hẹp nghiêm trọng. Sau các cuộc đốn hạ chỉ còn sót lại những cánh rừng nghèo nàn, và điều này chưa có dấu hiệu dừng lại. Đây là sự huỷ hoại chưa từng có tiền lệ trong lịch sử kể từ thời tiền sử”, Carlos Peres, một nhà sinh học tại trường đại học Đông Angila và là tác giả chính của bản báo cáo, cho biết.
Nghiên cứu cho thấy rằng các loài động vật ăn thịt đầu bảng như báo đốm và báo sư tử, cũng như các động vật ăn cỏ thân lớn như lợn vòi, là những loài bị diệt chủng trầm trọng nhất. Nhưng khi chúng ta bàn đến tình trạng huỷ diệt sinh thái đang lan rộng này, tất cả mọi thứ đều đã chịu sự tác động.
Rừng nhiệt đới Atlantic của Brazil. (Ảnh: University of East Anglia).
Để đi đến kết luận của mình, các nhà nghiên cứu đã so sánh số lượng sinh thể còn lại giữa hai nhóm loài thú có vú thân lớn và thân nhỏ cư trú trong rừng trong vòng 30 năm trở lại đây. Những ghi chép ban sơ có từ khi khu vực này trở thành thuộc địa của người châu Âu vào thế kỷ 16. Vùng đất này từng khiến các nhà tự nhiên học châu Âu phải bàng hoàng bởi sự rậm rạp và đa dạng của nó.
Sức khoẻ của các loài động vật có vú được xem là một yếu tố then chốt bởi các loài thú này có đóng góp quan trọng nhất trong việc phân tán hạt giống của các chủng thực vật cũng như trong việc cân đối số lượng các sinh vật ở cấp chuỗi thức ăn thấp hơn.
“Sự đa dạng của các loài thú có vú oai hùng nơi khu rừng nhiệt đới Atlantic giờ đây chỉ còn tựa như một cái bóng xanh mờ so với chính nó ngày xưa”, Peres cho biết thêm.