Con người dùng chất gây nghiện từ thời tiền sử

Theo một giáo sư ngành nhân chủng học ở Tây Ban Nha, con người sử dụng chất gây ảo giác và trồng cây thuốc phiện từ thời kỳ Đồ đá.

Elisa Guerra-Doce, giáo sư ngành nhân chủng học tại Đại học Valladolid ở Tây Ban Nha, vừa công bố các bằng chứng cho thấy loài người sử dụng thuốc phiện từ thời Đồ đá, Daily Mail đưa tin.


Anh túc là một trong những loài thực vật gây ảo giác mà con người trồng đầu tiên. (Ảnh: Getty Images)

Theo bà, con người bắt đầu chiết xuất chất gây ảo giác từ cây xương rồng vào năm 8600 trước Công nguyên (TCN) và trồng cây thuốc phiện vào khoảng năm 6000 TCN. Bà phát hiện bằng chứng về việc trồng cây thuốc phiện tại Italy, Thụy Sĩ, Đức và Tây Ban Nha.

Nữ giáo sư cũng tìm thấy dấu vết thuốc phiện trên răng của một bộ xương nam trong một hang động gần thị trấn Albuñol, tỉnh Granada, Tây Ban Nha. Người đàn ông đó sống từ khoảng năm 4000 TCN.


Echinopsis pachanoi là loài xương rồng chứa chấy gây ảo giác. (Ảnh: 145/Liz Whitaker/Ocean/Corbis)

Trong một bài báo trên tạp chí Time and Mind, Guerra-Doce viết: “Ngoài các bằng chứng về việc người cổ đại sử dụng chúng như lương thực, các phát hiện khác cho thấy họ còn khai thác đặc tính gây nghiện của chúng”.

Một số bằng chứng có niên đại khoảng từ năm 8600 đến năm 5600 TCN chứng tỏ những cư dân cổ xưa sống trong các hang động ở thung lũng Callejon de Huaylas, Peru, sử dụng Echinopsis pachanoi, một loại xương rồng chứa chất mescaline gây ảo giác.

Các nhà khảo cổ phát hiện dấu vết của xương rồng và phấn hoa tại hang Guitarrero trong khu vực. Họ cũng tìm thấy vết màu đỏ trên hàm răng của một thi thể được chôn cất từ 13.000 năm trước trong hang Duyong trên đảo Palawan ở phía nam Philippines. Các nhà nghiên cứu phỏng đoán vết màu đỏ hình thành từ việc nhai lá trầu. Ngày nay, người dân ở một số nước châu Á vẫn ăn trầu, loại lá chứa chất kích thích nhẹ.


Các nhà khảo cổ phát hiện hàm răng của người tiền sử có vết đỏ do nhai trầu trong một hang động ở Philippines. (Ảnh: Corbis)

Đến thời kỳ Đồ đồng, con người sống trên sa mạc Kara Kurum thuộc Turkmenistan sử dụng cần sa và thuốc phiện trong các nghi lễ. Giới khảo cổ tìm thấy hạt cần sa cháy trong một cái bát thuộc nền văn hóa Pit-Grave thời đồ đồng ở Romania vào năm 2100 TCN. Ngoài ra, họ cũng phát hiện chất nicotine trên sợi tóc của các xác ướp tồn tại trong nhiều thế kỷ trước khi người châu Âu đến Nam Mỹ.

Tại Bắc Mỹ, tẩu thuốc xuất hiện từ khoảng năm 2000 TCN mặc dù cũng có thể người ta sử dụng nó để hút loại cây khác. Tại đây, giới nghiên cứu còn tìm thấy chất nicotine trong một tẩu thuốc có niên đại vào năm 300 TCN.


Người tiền sử ở nhiều nước châu Âu và Trung Mỹ từng sử dụng nấm ma thuật để gây ảo giác trong thời kỳ dài. (Ảnh: Corbis)

Giáo sư Guerra-Doce cho hay nấm ma thuật từng được sử dụng khá phổ biến nhưng nó đã biến mất trong lịch sử. Theo các hình chạm khắc trên những mỏm đá vào thời kỳ Đá mới vào thời đại Đồ đồng ở phía tây bắc vùng Piedmont, Italy, người xưa dùng chúng trong các nghi lễ.

Dấu vết về các loại nấm gây ảo giác cũng xuất hiện trên một số tác phẩm điêu khắc nhỏ có niên đại từ năm 500 TCN đến năm 900 Sau CN ở Guatemala, Mexico, Honduras và El Salvador.

Giáo sư Guerra-Doce tin rằng thay vì mục đích giải tỏa căng thẳng như ngày nay, người tiền sử dùng chất gây nghiện trong các nghi thức, nghi lễ. Hầu hết các dấu vết họ tìm thấy đều nằm trong các ngôi mộ và những khu vực từng mang ý nghĩa tôn giáo.


Các nhà nghiên cứu tìm thấy bằng chứng cho thấy con người đã hút cây thuốc lá trong hàng nghìn năm. (Ảnh: Corbis)

Đến nay giới nghiên cứu vẫn chưa tìm hiểu các chi tiết về nghi lễ. Họ đưa ra giả thuyết rằng người ta sử dụng chất gây ảo giác tại tang lễ nhằm cung cấp chất dinh dưỡng cho người đã khuất trong hành trình đến thế giới bên kia hoặc đây là đồ cống nạp cho các vị thần cai quản địa ngục.

Bà tin rằng xã hội tiền sử hạn chế việc sử dụng chất kích thích vì vai trò thiêng liêng của chúng.

Tuy nhiên, bà khẳng định: “Con người đã dùng chất gây ảo giác từ nhiều thiên niên kỷ trước”.

Theo Zing
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video