Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học cho thấy trong hơn 100 năm qua, sự thay đổi của con người biểu hiện rõ ở chiều cao, cân nặng, tuổi dậy thì và tuổi thọ.
Chiều cao
Nghiên cứu của các nhà khoa học Anh chỉ ra rằng chiều cao của nam thanh niên ở nước này đã tăng trung bình 10cm kể từ đầu thế kỷ 20. Chiều cao trung bình hiện tại được đo là 178cm, cao hơn so với con số 168 cm trước đây. Nhân tố thúc đẩy gia tăng chiều cao là sự cải thiện về chế độ dinh dưỡng.
Tăng chiều cao trung bình không chỉ được ghi nhận ở Anh mà còn ở nhiều quốc gia phát triển khác, trong đó nổi bật có Hà Lan. Người dân Hà Lan hiện tại có chiều cao trung bình cao nhất thế giới với con số 185cm. Theo các nhà nghiên cứu, tại những quốc gia từng trải qua chiến tranh, dịch bệnh và đói nghèo, chiều cao trung bình của người dân sẽ giảm.
Tỷ lệ tăng chiều cao trung bình được ghi nhận ở nhiều quốc gia phát triển trên thế giới. (Ảnh minh họa: yousaytoo.com)
Tuổi thọ
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tuổi thọ trung bình trên toàn cầu vào năm 1900 là 31 tuổi và tăng lên mức 70 tuổi trong năm 2012. Các nhà khoa học dự đoán tuổi thọ trung bình của nữ giới được sinh ra ở những nước phát triển như Mỹ năm 2030 sẽ là 85 tuổi.
Tiến bộ y học, cải thiện vệ sinh môi trường và cơ hội tiếp cận với nguồn nước sạch hơn là những yếu tố giúp làm giảm tỷ lê tử vong ở người do nhiễm trùng và thúc đẩy sự gia tăng về tuổi thọ trung bình.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, tỷ lệ người chết vì các căn bệnh thoái hóa như Alzheimer, bệnh tim, ung thư ngày càng tăng. Hay nói cách khác, con người ngày càng sống lâu hơn, nhưng nguy cơ chết vì nhiều căn bệnh khác nhau cũng cao hơn so với trước đây.
Cân nặng
Theo WHO, khoảng 29% dân số toàn cầu đang có biểu hiện béo phì. Con số này tăng gấp đôi so với giai đoạn năm 1980.
Tuy nhiên, nguyên nhân khiến con người ngày càng béo hơn vẫn là vấn đề gây tranh cãi của các nhà khoa học. Một số ý kiến đưa ra hướng đến thói quen tiêu thụ nhiều thức ăn nhưng hạn chế tập thể dục. Các nguyên nhân khác được cho vai trò của gene và các loại virus liên quan đến chứng béo phì.
Vấn đề tăng cân và béo phì ngày càng trở nên phực tạp hơn, khi nhiều nghiên cứu chỉ ra cơ chế dự trữ chất béo do tiền sử suy dinh dưỡng hay thiếu ăn cũng có thể là một nguyên nhân.
Từ những năm 1970, giáo sư nhân chủng học Bogin của Đại học Loughborough bắt đầu nghiên cứu đặc điểm của trẻ em Maya và gia đình của chúng tại Guatemala, Mexico và Mỹ. Khi người Maya di cư đến Mỹ, những đứa trẻ của họ khi sinh ra thường cao hơn 11,5cm so với những đứa trẻ khác được sinh ra tại Mexico và Guatemala. Bogin tin rằng đây là kết quả của chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và sự chăm sóc sức khỏe tốt. Ngoài sự tăng trưởng về chiều cao, những đứa trẻ này cũng có sự thay đổi về cân nặng và có xu hướng thừa cân, béo phì.
Tỷ lệ tăng cân và béo phì ngày càng gia tăng ở nhiều quốc gia trên thế giới, cao hơn so với các giai đoạn trước đây. (Ảnh minh họa: madmikesamerica.com)
Dậy thì sớm
Tỷ lệ dậy thì và trưởng thành sớm ngày nay được ghi nhận ở nhiều quốc gia trên thế giới. Từ giai đoạn những năm 1800, trung bình 10 năm một lần, độ tuổi xuất hiện kinh nguyệt lần đầu ở bé gái tại Mỹ giảm khoảng 0,3 năm (mức trung bình lúc bấy giờ là 17). Các nhân tố ảnh hưởng được cho là thực phẩm có nhiều dinh dưỡng hơn, điều kiện chăm sóc sức khỏe và y tế cũng tốt hơn. Ngày nay, độ tuổi trung bình này là khoảng 12,8-12,9 tuổi. Các nghiên cứu cũng chỉ ra mối liên hệ giữa béo phì và tỷ lệ dậy thì sớm. Theo đó, những bé gái có chỉ số khối cơ thể (BMI) cao hơn thường dậy thì sớm hơn.
Tuy nhiên, dậy thì sớm cũng đồng nghĩa với nguy cơ gặp một số vấn đề sức khỏe. Những bé gái dậy thì sớm hơn thường có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp và tiểu đường tuýp 2 cao hơn so với những bé gái dậy thì muộn.
Bên cạnh đó, dậy thì sớm cũng có thể để lại nhiều hậu quả về mặt xã hội. Ở một số quốc gia hoặc khu vực trên thế giới, khi một bé gái trưởng thành về mặt sinh lý, nó sẽ được coi là đủ điều kiện để kết hôn. Điều này đồng nghĩa với việc không thể tiếp tục đi học hay có một công việc riêng một khi đã kết hôn sớm.