Cầm trên tay quả cam/chanh, có lẽ bạn không ngờ nó có ảnh hưởng to lớn tới quá trình khám phá thế giới của loài người như thế nào.
Nhưng sự thực chúng đã tạo nên ảnh hưởng đó: các cuộc phiêu lưu khám phá những vùng đất mới bên kia các đại dương chỉ thực sự phát triển sau khi người ta biết rằng trái cam có thể giúp phòng bệnh scurvy (bệnh do thiếu vitamin C).
Những trái cam có vai trò quan trọng trong công cuộc khám phá vùng đất mới bên kia đại dương của loài người - (Ảnh: REUTERS).
Khi loài người phát minh ra những con tàu lớn hơn và có thể chịu đựng được sóng to gió cả ở ngoài khơi xa thì đồng nghĩa họ không muốn phải giong buồm ở những khu vực gần bờ nữa.
Nhưng để đổi lấy sự tự do tung hoành nơi biển cả, các đoàn thủy thủ buộc phải sống nhờ vào nguồn lương thực dự trữ được tẩm ướp, bảo quản. Thường chỉ trong vòng 6 tuần rời cảng, rất nhiều người trong số các thủy thủ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng của bệnh scurvy.
Bệnh scurvy là bệnh do thiếu hụt vitamin C với các biểu hiện như chảy máu nướu răng, chậm lành vết thương, các vết thâm tím rộng trên da.
Bệnh này trước đây thường xảy ra với các thủy thủ rong ruổi hàng tháng trời ngoài biển mà không được ăn rau quả tươi và nay cũng có thể xuất hiện ở những người có chế độ ăn thiếu hụt loại vitamin quan trọng này.
Trong nhiều thế kỷ trước, chế độ ăn của thủy thủ đi biển dài ngày hầu hết chỉ gồm thịt muối và bánh quy, rất thiếu vitamin C vốn có trong rau quả tươi. Tình trạng thiếu chất trong chế độ ăn đã khiến số thủy thủ thiệt mạng vì bệnh scurvy thậm chí còn nhiều hơn số thủy thủ thiệt mạng vì giao tranh, đắm tàu hay bị cướp biển tấn công.
Trên thực tế trong quá khứ, với nhiều chuyến hải trình dài ngày, các tàu thường sẽ khởi hành với một thủy thủ đoàn có số lượng nhiều hơn 50% so với mức cần thiết để "bù" cho số trường hợp sẽ thiệt mạng vì bệnh scurvy.
Vào thời điểm đó, các phương pháp phòng ngừa bệnh này tuy đã được biết tới nhưng gần như mọi người đều không chú ý tới chúng. Chẳng hạn năm 1601, thuyền trưởng James Lancaster đã cung cấp cho các thủy thủ của ông mỗi ngày một lượng nước chanh nhất định, do đó có thể phòng ngừa bệnh scurvy cho một số người.
Nhưng khi cân nhắc về chi phí cho lượng trái cây tươi hoặc trái cây bảo quản để có thể có một ly nước cam hay chanh mỗi ngày cho từng thủy thủ, người ta lại cho rằng đó là một lựa chọn không khả thi.
Bác sĩ James Lind - (Ảnh: WIKIPEDIA).
Hơn 100 năm sau, năm 1747, một bác sĩ phẫu thuật người Scotland tên là James Lind (1716-1794) đã tiến hành nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng đầu tiên có kiểm soát về nước cam/chanh.
Ông đã chọn ra 12 thủy thủ bị bệnh scurvy rồi chia họ thành hai nhóm. Một nhóm được uống nước cam và nước chanh trong các bữa ăn, trong khi nhóm kia chỉ được uống nước biển, giấm, rượu táo hoặc hóa chất có tên diluted sulfuric acid.
Kết quả thử nghiệm đó đã khiến ông James Lind phát triển lý thuyết về tác dụng phòng ngừa và điều trị bệnh scurvy của các loại trái cây có múi như cam/chanh vốn bị bỏ quên trong hơn 40 năm.
Nhờ nghiên cứu của bác sĩ James Lind, nhờ những trái cam/chanh, loài người đã đạt được những thành tựu khám phá kỳ diệu sau đó như thành tựu của thuyền trưởng James Cook, nhà thám hiểm đầu tiên vượt qua vòng Bắc Cực và cũng là người đã khám phá ra rạn san hô Great Barrier Reef.
Đoàn quân Napoleon thất bại vì... những chiếc cúc bằng thiếc?