Tình hình côn trùng biến đổi gene nhằm thích nghi với cây trồng biến đổi gene trên đồng ruộng diễn biến phức tạp hơn trong phòng thí nghiệm, một nghiên cứu mới vừa cho biết.
Sâu đục quả bông đang thích nghi với bông biến đổi gene. (Nguồn: Leedsblogs) |
Những kiểm tra trong phòng thí nghiệm được thực hiện để tìm ra cách khiến côn trùng hại mùa màng không thể kháng lại cây trồng biến đổi gene. Tuy nhiên, những thí nghiệm đó không lường hết được tình hình diễn biến ngoài đồng ruộng.
Nhà khoa học Haonan Zhang ở ĐH Nông nghiệp Nam Kinh (Trung Quốc) và các đồng nghiệp đã xem xét các biến thể gene trong sâu đục quả bông mà họ bắt từ ruộng trồng bông biến đổi gene ở miền bắc Trung Quốc. Họ phát hiện ra rằng sâu đục bông có số lượng biến thể gen phong phú, giúp chúng sống sót trong môi trường cây trồng biến đổi gen.
Ngoài những biến thể gene lặn được quan sát trong phòng thí nghiệm trước đây, các nhà khoa học còn phát hiện nhiều biến thể gene trội, có khả năng chống lại các độc tố do bông biến đổi gene sinh ra để tiêu diệt ấu trùng sâu hại.
Điều này nghĩa là chỉ một bản sao đơn của gene đột biến cũng đủ để sâu bệnh truyền lại đặc tính kháng cây biến đổi gen cho thế hệ sau.
Ngoài ra, biện pháp trồng cây bình thường quanh các cây biến đổi gene - để cho côn trùng không biến đổi gene phát triển và kết hợp với côn trùng biến đổi gene rồi từ đó làm giảm số lượng côn trùng biến đổi gene - không hiệu quả như mong đợi.
Theo Bruce Tabashnik, trưởng khoa côn trùng học ở ĐH Arizona và là đồng tác giả nghiên cứu, ngoài những đột biến gene đã được biết tới, nhóm nghiên cứu đã tìm ra “rất nhiều đột biến gene. Hầu hết những đột biến gen đó đều ở trong cùng một gen, nhưng có một đột biến gene xuất phát từ một gen hoàn toàn khác”.