Công bố bản đồ 1,8 tỷ ngôi sao trong dải Ngân Hà

Cơ quan Vũ trụ châu Âu tung ra bộ dữ liệu do Đài quan sát không gian Gaia thu thập, thể hiện nhiều đặc điểm của số lượng lớn sao.


Bản đồ thể hiện chuyển động 3D của 26 triệu ngôi sao trong dải Ngân Hà. Vùng màu xanh lam cho biết vận tốc trung bình của các ngôi sao hướng về phía Trái đất, vùng màu đỏ là vận tốc trung bình hướng ra xa. Các đường biểu thị sự di chuyển của các ngôi sao trên mặt phẳng không gian. (Ảnh: ESA/Gaia/DPAC)

Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) hôm 13/6 công bố bộ dữ liệu thứ ba của Gaia - đài quan sát phóng lên không gian vào năm 2013 với mục tiêu "kiểm kê thiên hà" lập bản đồ 3D toàn diện nhất từ trước đến nay về dải Ngân Hà. Bộ dữ liệu mới cập nhật thông tin về khoảng 1,8 tỷ ngôi sao, bao gồm cấu tạo và chuyển động của chúng, cũng như thống kê về các trận động đất trên sao, hệ sao đôi, sao biến quang cùng nhiều vật thể khác.

Bộ dữ liệu lớn đầu tiên của Gaia được công bố năm 2016, thống kê độ sáng và vị trí của 1,1 tỷ ngôi sao. Năm 2018, bộ dữ liệu thứ hai cho biết tọa độ của gần 1,7 tỷ ngôi sao và chuyển động của 1,3 tỷ sao trong số đó. Năm 2020, một phần của bộ dữ liệu thứ ba được tung ra, giúp lập biểu đồ chuyển động của hệ Mặt Trời quanh trung tâm thiên hà.

Giờ đây, ESA công bố đầy đủ bộ dữ liệu thứ ba của Gaia gồm khoảng 1,8 tỷ ngôi sao với thông tin về thành phần hóa học, nhiệt độ, màu sắc, khối lượng, tuổi, chuyển động và phân loại. Trong đó, 1,5 tỷ ngôi sao đã được phân loại cụ thể.

Bộ dữ liệu thứ ba cũng bao gồm thông tin quang phổ mới thu thập bằng cách tách ánh sáng từ sao thành các màu cấu thành, được thực hiện ở độ phân giải thấp với 470 triệu ngôi sao và ở độ phân giải cao với 5,6 triệu ngôi sao. Điều này cho phép các nhà khoa học xác định những yếu tố như nhiệt độ, khối lượng, tuổi, màu sắc, tính kim loại và thành phần hóa học của chúng.

Nhờ đó, họ phát hiện rằng những sao gần trung tâm thiên hà thường có tính kim loại cao hơn sao ở rìa ngoài. Điều này giúp giới chuyên gia hiểu thêm về sự tiến hóa của sao ở những khu vực khác nhau, vì kim loại nặng được tạo ra và phân phối khi các ngôi sao già chết đi, sau đó tích hợp vào các ngôi sao mới sinh ra từ tro bụi.


Bản đồ về tính kim loại của các ngôi sao trong dải Ngân Hà, từ hàm lượng kim loại thấp (xanh lam) đến hàm lượng kim loại cao (đỏ). (Ảnh: ESA/Gaia/DPAC)

Gaia cũng chứng minh khả năng phát hiện động đất ở hàng nghìn ngôi sao khi những dao động quy mô lớn xảy ra trên bề mặt của chúng. Điều thú vị là hiện tượng này xảy ra trên nhiều ngôi sao mà giới khoa học không nghĩ sẽ có động đất, làm phát sinh những câu hỏi mới.

Bộ dữ liệu mới cũng tính toán vận tốc xuyên tâm của 33 triệu ngôi sao, thước đo xem một ngôi sao tiến về phía Trái đất hay bay ra xa khỏi Trái đất nhanh đến mức nào. Thông tin này bổ sung chiều thứ ba cho bản đồ về chuyển động của sao, thay vì chỉ thể hiện cách chúng di chuyển trên mặt phẳng không gian.

Ngoài ra, Gaia còn xác định khoảng 10 triệu ngôi sao đang thay đổi độ sáng theo thời gian và 813.000 hệ sao chứa hai ngôi sao quay quanh nhau. Điều này cho thấy đây là bản thống kê lớn nhất về các sao biến quang và hệ sao đôi từng ghi nhận.

Gaia cũng thu thập thông tin về 156.000 tiểu hành tinh và 31 mặt trăng trong Hệ Mặt trời. Ngoài Dải Ngân Hà, bộ dữ liệu còn chứa thông tin về 2,9 triệu thiên hà khác, bao gồm độ sáng, màu sắc, hình dạng, lịch sử hình thành sao và thông tin về 1,9 triệu chuẩn tinh, bao gồm sự dịch chuyển đỏ, độ sáng, màu sắc.

Bộ dữ liệu sâu rộng mới công bố sẽ cực kỳ hữu ích cho các nhà thiên văn trong tương lai. Họ có thể sử dụng những phát hiện này để khám phá khoa học theo nhiều cách khác nhau.

Cập nhật: 15/06/2022 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video