Công bố phát hiện 11 hang động huyền bí và di cốt người có niên đại 1 vạn năm tại Tam Chúc

Các nhà khoa học vừa công bố 11 hang động, mái đá có giá trị quý về khảo cổ học thuộc văn hóa Hòa Bình, cùng với Cồn Hến 1, Cồn Hến 2 thuộc văn hóa Đông Sơn, có giá trị về cảnh quan thiên nhiên và liên quan đến sự hình thành kiến tạo địa chất hàng triệu năm, tại Trung tâm danh thắng Tam Chúc, Kim Bảng (Hà Nam).

11 hang động đẹp lung linh

Ngày 2/11, tại hội thảo Khảo cổ học Toàn quốc lần thứ 58, nhằm mục đích thông báo, thảo luận, biên tập xuất bản “Những phát hiện nghiên cứu mới về khảo cổ học Việt Nam năm 2023”.


Đoàn chuyên gia khảo sát hang Thiên Đình thuộc quần thể Tam Chúc.

Đáng chú ý, tại hội thảo, các nhà khoa học cho biết, thời gian từ năm 2021- 2022, Bảo tàng tỉnh Hà Nam đã kết hợp với Viện Khảo cổ học để tiến hành điều tra, điền dã, khảo sát, và đánh giá toàn diện hệ thống các di tích trên địa bàn. Kết quả công việc này đã cho thấy họ đã phát hiện hơn 20 di tích và dấu tích có tiềm năng nghiên cứu, và sẽ được khai quật và thám sát trong tương lai.

Đặc biệt, tại vùng Trung tâm của danh thắng Tam Chúc, các nhà nghiên cứu đã phát hiện 11 hang động và mái đá có giá trị quý về khảo cổ học thuộc văn hóa Hòa Bình, cùng với Cồn Hến 1, Cồn Hến 2 thuộc văn hóa Đông Sơn, các hang động, mái đá, và giếng Cacxto có giá trị về cảnh quan thiên nhiên và liên quan đến sự hình thành kiến tạo địa chất hàng triệu năm.


Khảo sát tại hang núi Cổ Sao thuộc quần thể Tam Chúc.

Những phát hiện này đóng vai trò quan trọng trong việc khai quật và nghiên cứu khảo cổ học, giúp tiến sâu vào việc giải mã những bí ẩn về lịch sử văn hóa của vùng Tam Chúc - Kim Bảng (Hà Nam) trong quá trình phát triển lịch sử dân tộc.

Bên cạnh đó, tháng 3/2023, Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Hà Nam và Công ty THHH Dịch vụ du lịch Tam Chúc đã phối hợp thực hiện khảo sát tại Thung Na, thuộc tổ 8, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng. Tại hang Thung Na 1 và mái đá Thung Na 3, họ đã phát hiện các dấu tích cổ sinh thời tiền sử và văn hóa vật chất của giai đoạn sơ sử. Những phát hiện này bao gồm hóa thạch động vật và các hiện vật như mảnh gốm màu nâu đỏ thuộc văn hóa Đông Sơn.


Đoàn khảo sát rập bia ma nhai trong quá trình khai quật tại chùa Vân Mộng.

Ngoài ra, nhóm khảo sát cũng phát hiện một di tích giai đoạn tiền sơ sử trên đỉnh núi Lò Vôi gần khu vực Tam Quan ngoại chùa Tam Chúc. Di tích này nằm ở vĩ độ Bắc 200 31’52.3’’ và kinh độ Đông 1050 48’04.7’’, có độ cao khoảng 50m so với mực nước biển. Kết quả khảo sát trên đỉnh núi đã phát hiện nhiều vỏ nhuyễn thể biển cùng với ốc suối chặt đít.


Đoàn chuyên gia Đại học Paris lấy mẫu đá tại mỏ đá Mỏ Sét tại quần thể Tam Chúc.

Đáng chú ý, tại vị trí đỉnh núi có diện tích rộng khoảng 60m2, họ đã phát hiện các mảnh miệng và mảnh thân của các đồ gốm nằm cùng với nhuyễn thể biển và nước ngọt. Kết quả khảo sát cho thấy khu vực này tồn tại nhiều di tích có niên đại từ cuối thế Pleistocene đến Holocene muộn.

Điều này cho thấy rằng Kim Bảng trong quá khứ là một địa vực rất thuận lợi và đã được cư dân cổ sử dụng và cư trú qua nhiều giai đoạn lịch sử.

Phát hiện di cốt người có niên đại cách đây khoảng 1 vạn năm


Cảnh núi Dốc Tù thuộc quần thể Tam Chúc.

Trong cuộc khai quật lần đầu tại hố khai quật H1, thuộc vùng Trung tâm danh thắng Tam Chúc, thị trấn Ba Sao (Kim Bảng), các nhà khoa học đã phát hiện 3 mộ táng trẻ em và người trưởng thành. Đây là dạng mộ cải táng và dạng mộ song táng, với cách chôn nằm co bó gối. Điều này đánh dấu lần đầu tiên phát hiện di cốt người có niên đại cách đây khoảng 1 vạn năm.


Xương người được khai quật tại hố hang đội 4, vùng lõi quần thể, danh thắng Tam Chúc.

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện di tích động vật, bao gồm vỏ nhuyễn thể cùng với xương răng động vật, và chúng được phát hiện với số lượng đáng kể qua các lớp đào. Đa số di cốt động vật phát hiện trong hố khai quật đều thuộc loài thú nhỏ, đây đã là nguồn thức ăn quan trọng của cư dân cổ trong quá khứ. Ngoài ra, loại công cụ đá tại hố khai quật có kích thước không lớn, nhưng những đặc điểm về loại hình và kỹ thuật cho thấy sưu tập hiện vật đá ở đây thuộc văn hóa Hòa Bình.


Khảo sát tại mỏ Hến 1, lòng hồ Tam Chúc.

Ngoài ra, tại các điểm di tích khác như ngôi tháp mộ trong khuôn viên đền Lảnh Giang, phế tích kiến trúc tại chùa Vân Mộng, đào thám tại Hang Chuông, tổ Viên Quang Chân Nhân, căn cứ địa Lạt Sơn, chùa Đặng Xá, chùa Đồng Vũ, chùa Ngò, cũng phát hiện nhiều di tích quý giá.

Quần thể danh lam thắng cảnh Tam Chúc đã được Nhà nước xếp hạng là di tích cấp Quốc gia tại quyết định số 391/QĐ ngày 24/2/2023. Đây là một sự công nhận quan trọng về giá trị lịch sử và văn hóa của vùng này.
Cập nhật: 03/11/2023 Tiền Phong
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video