Công bố với thế giới cách điều trị ung thư mới

Suốt 10 năm qua, tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ (34 tuổi, cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM) đã dành nhiều tâm huyết nghiên cứu hướng điều trị ung thư mới: sử dụng vi khuẩn thay cho hóa trị, xạ trị.

Vừa rẻ vừa đặc hiệu

Sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, Vũ tìm kiếm cơ hội đi du học. Lọt qua những vòng phỏng vấn gắt gao, Vũ trúng tuyển vào chương trình "Học bổng toàn phần của giáo sư" thuộc Trường ĐH Quốc gia Chonnam - Hàn Quốc. Từ năm 2006, anh bắt đầu sang xứ sở kim chi phụ giúp công việc nghiên cứu cho Giáo sư Min Jung-joon. Bù lại, anh được vị giáo sư này trả lương để trang trải cuộc sống cũng như các loại học phí.

Nguyễn Hồng Vũ hoàn tất chương trình thạc sĩ vào năm 2008. 4 năm tiếp theo, anh lấy bằng tiến sĩ ngành ứng dụng sinh học phân tử trong y khoa. Sau đó, anh làm việc cho phòng thí nghiệm của Giáo sư Min Jung-joon như một nhân viên chính thức, với vai trò là postdoc (nghiên cứu sau tiến sĩ).

Nguyễn Hồng Vũ đã cho công bố với thế giới một công trình rất giá trị do anh làm chủ nhiệm, đó là nghiên cứu về một hướng điều trị ung thư mới: Sử dụng vi khuẩn đường ruột Salmonella thay vì dùng hóa trị, xạ trị như thông thường. Tiến sĩ Vũ cho hay, trước tiên vi khuẩn Salmonella được làm đột biến các gene nguy hiểm để trở nên yếu đi. Mặt khác, vi khuẩn này mang thêm gien phát sáng để có thể dễ dàng định vị trong quá trình điều trị. Tiếp đó, các vi khuẩn này sẽ mang gene độc tố ClyA đến những khối u đó và tiêu diệt tế bào ung thư.

Công trình này đã được công bố trên Cancer Research - một tạp chí chuyên ngành có uy tín hàng đầu trên thế giới về nghiên cứu ung thư. Các công trình được đăng trên tạp chí này phải qua một loạt các vòng đánh giá của các giáo sư hàng đầu trên thế giới về lĩnh vực này để chứng minh rằng đây là công trình nghiên cứu mới, có giá trị khoa học cao.


Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ trong phòng thí nghiệm tại Hàn Quốc - (Ảnh: H.V).

Theo tiến sĩ Vũ, phương thức điều trị này có ưu thế là đặc hiệu hơn so với những phương pháp truyền thống. Anh giải thích: "Sau khi vi khuẩn được xác định là tích tụ trong khối u, đường L-Arabinose sẽ được tiêm vào cơ thể để kích thích vi khuẩn tạo độc tố ClyA trong khối u và tiêu diệt tế bào ung thư. Lúc đó, những cơ quan khỏe mạnh khác sẽ không bị ảnh hưởng bởi cách thức điều trị này". Không những vậy, theo anh Vũ, việc nuôi vi khuẩn để điều trị ung thư rẻ hơn rất nhiều lần so với sử dụng hóa trị hoặc xạ trị.

Hiện tại, công trình này đang được thử nghiệm trên loài chuột và bước đầu thu được những kết quả khả quan. Tiến sĩ Vũ cho hay, ngày 23/1, anh sang Mỹ làm việc ở Viện Nghiên cứu City of Hope nhằm hoàn thiện, phát triển phương pháp điều trị mới này.

Tiến sĩ Vũ cũng cho biết, chưa thể nói trước khi nào thì có thể áp dụng phương pháp điều trị này cho người, bởi từ thử nghiệm đến thực tế còn cả một chặng đường dài và cam go.

Đồng cảm với bệnh nhân

10 năm sống ở Hàn Quốc, anh Nguyễn Hồng Vũ rèn luyện vốn tiếng Hàn khá tốt. Chính vì vậy, thỉnh thoảng anh được mời làm phiên dịch cho những bệnh nhân ung thư ở Việt Nam sang Bệnh viện Hwasun (Hàn Quốc) khám và điều trị. Trong số đó, anh nhớ mãi một bệnh nhân trẻ tuổi từ TP.HCM sang. Em này bị u não, đã được các chuyên gia y tế Hàn Quốc phẫu thuật lấy được khối u ra và sống khỏe đến tận bây giờ. Tuy nhiên, trường hợp này vẫn để lại trong anh không ít day dứt, bởi gia đình em đã phải mượn nợ rất nhiều mới có khả năng chữa bệnh cho em.

Ngoài ra, đây là một ca may mắn ít ỏi trong số rất nhiều bệnh nhân khác anh Vũ từng giúp đỡ và đã chứng kiến họ phải qua đời vì căn bệnh ung thư quái ác. Từ sự đồng cảm đó, trong anh càng thôi thúc suy nghĩ: nếu tạo ra một phương thức mới điều trị ung thư trong tương lai thì có thể giúp ích cho những bệnh nhân ung thư, nhất là giảm được rất nhiều chi phí cho bệnh nhân nghèo ở VN và ở các nước khác.

Được biết, trong thời gian học tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, Nguyễn Hồng Vũ đã nổi tiếng khi thực hiện thành công một công trình nghiên cứu thuộc loại hóc búa: "Bắt" hoa hồng nở trong ống nghiệm. Mặc dù vậy, khi sang Hàn Quốc, anh thừa nhận bản thân cũng gặp nhiều khó khăn. Anh trải lòng: "Thực ra, 6 tháng đầu tiên qua đó tôi đã rất bỡ ngỡ với những kỹ thuật phòng thí nghiệm hiện đại. Tôi đã lao vào học từ người này người kia, tự tìm tòi, làm quen với những công nghệ mới... Bởi vì giữa lý thuyết mình học được so với thực tế chênh nhau rất lớn. Sau khi có được nền tảng, tôi bắt đầu đeo đuổi, cải tiến nghiên cứu của những người đi trước và quyết tâm làm cho ra những nghiên cứu mới". Tiến sĩ Vũ chia sẻ thêm: "Trong nghiên cứu, nhiều khi thử nghiệm 10 cái, 50 cái, 100 cái thất bại mới có thể ra được thành công thì đó cũng là chuyện bình thường".

Được biết, bà xã của anh Vũ là tiến sĩ trẻ Phan Xuân Thúy (32 tuổi). Tuy khác nhau về niên khóa nhưng hai người từng học cùng ngành cùng trường bậc đại học ở VN cũng như các bậc học nâng cao tại Hàn Quốc. Thêm vào đó, hai người còn có chung công trình nghiên cứu (cùng chủ nhiệm đề tài với một người Hàn Quốc) về tương tác của vi khuẩn dùng điều trị ung thư với sự phản ứng của hệ miễn dịch cơ thể. Công trình này vừa được đăng trên một tạp chí uy tín lớn trên thế giới về nghiên cứu "chẩn đoán kết hợp điều trị", Theranostics.

"Niềm trăn trở của tôi trong lúc này là làm sao để những cái mình đã, đang và sẽ tìm tòi khám phá trong tương lai có thể giúp ích được cho quê hương mình nói riêng và cho nhân loại nói chung", anh Vũ khẳng định.

Cập nhật: 16/02/2016 Theo Thanh Niên
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video